Hàng loạt các hiệp định thương mại Việt Nam đã và sắp ký kết đều cắt giảm dần về 0% đối với thuế nhập khẩu ô tô |
Thuế ô tô đồng loạt về 0%
Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo đó, hai bên sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu theo một lộ trình xác định. Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. Riêng ô tô có động cơ xăng trên 3.0 L và động cơ Diesel trên 2.5 L sẽ về mức 0% sau 9 năm.
Trước đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức được ký kết. Seoul và Hà Nội nhất trí cắt giảm trên 90% các dòng thuế nhập khẩu cho nhau, trong đó có linh kiện ô tô và ô tô nguyên chiếc gồm xe tải và xe con có dung tích từ 3.0L trở lên. Theo lộ trình sau 10 năm, từ khi Hiệp định có hiệu lực, ô tô tải và xe con có dung tích từ 3.0L trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc về có thuế suất 0%.
Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo một số nguồn tin, khi đàm phán xong, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước thành viên TPP cũng sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình 10 năm. Dự kiến TPP sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối 2015.
Trong khi đó, từ năm 2018, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô cho các nước khu vực ASEAN là thành viên AFTA, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm về 0%, đã được công bố rộng rãi từ lâu và hầu hết mọi người đều biết đến.
Như vậy, có thể nói, tới năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa mạnh mẽ, cho hầu hết các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Đức, Anh, Pháp, Ý (thành viên EU), Mỹ, Nhật Bản... (thành viên TPP), Thái Lan, Indonesia ( thành viên AFTA) và Hàn Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô đang xem Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng để xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô hiện đang ở mức gần 60%/năm.
Các DN cho biết, mức độ tăng trưởng bình quân 40%/năm của thị trường ô tô Việt Nam có thể được duy trì lâu dài. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng. Vào 2016, thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt quy mô khoảng 600.000 xe, sau đó tăng lên 1 triệu xe vào 2030.
Xe sang giảm giá?
Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam đang giữ ở mức cao, khoảng 70%. Các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia này chủ yếu là xe sang, đắt tiền, chính vì vậy khiến cho giá xe nhập đến tay người tiêu dùng khá cao.
Về nguyên tắc, nếu thuế nhập khẩu được xóa bỏ, giá nhiều mẫu xe sang sẽ giảm mạnh. Tính toán cho thấy giảm 70% thuế nhập khẩu, các mẫu xe sang của BMW, Lexus, Mercedez... giá sẽ giảm.
Ví dụ giá CIF của mẫu xe Lexus ES 350 nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản là 33.051 USD, sau khi cộng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, các chi phí khác và lợi nhuận DN, giá bán đến tay người tiêu dùng là 121.000 USD. Nếu chiếc xe này giảm 70% thuế nhập khẩu, giá đến tay người tiêu dùng có thể giảm khoảng 20.000 USD.
Tuy nhiên, giá xe khi đó còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thuế, phí khác, nếu Nhà nước điều chỉnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, theo hướng giảm đối với các dòng xe ưu tiên phát triển và áp mức “đặc biệt cao” đối với xe có dung tích trên 3.0L.
Không chỉ có vậy, đề xuất từ một số cơ quan chức năng còn muốn nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh trên 2.0L lên cao hơn mức 50% hiện nay. Nếu vậy, các mẫu xe sang nhập khẩu có dung tích xi lanh trên 2.0L sẽ khó có cơ hội giảm giá mạnh.
Mặc dù vậy, có điều chắc chắn nhiều người đã hình dung ra, khi đó xe nhập khẩu sẽ áp đảo xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Năm 2014, xe nhập khẩu tăng trưởng 83%, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 32% so với 2013. Còn tính từ đầu năm tới hết 7/2015, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu đạt 32.090 chiếc, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe lắp ráp trong nước đạt mức tăng 56%. Bình quân mỗi ngày Việt Nam phải chi trên 10 triệu USD để nhập khẩu xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.