Tại hội thảo khoa học mang tên: “Đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay” vào ngày 17-5, PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội đưa ra con số đáng lo ngại. Đó là dự kiến đến thời điểm năm 2020, hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, thừa khoảng 41.000 người đối với tiểu học, 12.200 người đối với THCS và 16.900 đối với THPT.
Cũng theo thống kê của PGS.TS. Bùi Văn Quân, hiện nay trên cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục, 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường ĐH đa ngành, 35 trường CĐ sư phạm, 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường CĐ đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường TCCN.
PGS.TS nhận định, cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là cơ cấu theo địa bàn lãnh thổ (mỗi tỉnh/ TP có ít nhất 1 cơ sở đào tạo giáo viên) và phương thức đào tạo giáo viên truyền thống (đào tạo song song) đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh của nó.
GS.TS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.(ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, hệ thống đào tạo giáo viên bộc lộ những hạn chế cơ bản như việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên. Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường CĐ sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên ĐH, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên…
PGS.TS Quân đưa ra quan điểm cần xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức mô hình/phương thức đào tạo giáo viên phải xuất phát từ quan điểm “giáo viên là người lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp. Phải xác định lại chức năng của trường thực hành sư phạm, đặc biệt là trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên (trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên không thuần túy chỉ là cơ sở thực hành nghề). Quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt với thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo quan điểm phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên”.
Đưa ra bình luận về con số 70.000 giáo viên có thể thất nghiệp vào năm 2020 như trong dự báo kể trên, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân nói: “Tôi chưa biết tính xác thực của con số 70.000 này đến đâu. Dự báo đó có lẽ là trên cơ sở hệ thống giáo dục hiện nay. Nhưng nếu nói thừa mà không thiếu thì không chính xác. Vì có những giáo viên dạy ngành này thừa nhưng với ngành khác thì vẫn thiếu”.
GS.TS. Trần Hồng Quân cũng phân tích: “Nếu chúng ta tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục thì có một vấn đề lớn là phân luồng giáo viên sau lớp 9 chuyển sang hệ thống giáo dục vừa đạt trình độ cấp 3 nhưng đồng thời phải chuẩn bị tâm thế và năng lực ra lao động nghề nghiệp.
Trong trường hợp đó, hệ thống khá lớn các trường cấp 3 hiện nay có khi chúng ta cũng phải chuyển sang các trường thỏa mãn những yêu cầu đó thì bản thân đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển.
Điều đó có nghĩa là, khi tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, nếu được chấp nhận thì mọi tính toán về đội ngũ mới chính xác. Bây giờ chỉ dự báo trên cơ sở cấu trúc như hiện nay rồi kéo dài ra thì con số chưa thật đã chính xác”.
Liên quan đến tình trạng “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa”, Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng, nguyên nhân là do việc đãi ngộ với giáo viên hiện nay, nhất là với những giáo viên các vùng khó khăn là chưa thỏa đáng. Do vậy, sẽ khó tránh được nơi thiếu vẫn thiếu và thừa vẫn thừa. Trên thực tế, nhiều giáo viên chưa chấp nhận đi đến những vùng khó khăn và ở lại lâu dài bởi điều kiện sống ở các vùng khó khăn chưa được nâng cao.
Thậm chí, nhiều nhân lực là người địa phương được đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp cũng chưa chắc họ đã về địa phương của mình để công tác. Đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội”.
Để giải quyết vấn đề mỗi năm, có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng cũng có rất nhiều sinh viên thất nghiệp trong số đó, năm này chồng sang năm khác, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giải pháp là: “Cần rõ ràng trong công tác kế hoạch hóa, dự đoán cho đúng về số lượng cũng như ngành nghề trong ngành giáo dục. Vì như đã đề cập đến ở trên, có thể môn học này thừa nhưng môn học khác lại thiếu, vùng này thừa, vùng khác thiếu.
Ví dụ như giáo viên cấp 3 ở nhiều nơi đã thừa lắm rồi nhưng xu hướng học sinh bây giờ là phải học ĐH còn học để ra dạy cấp 2, cấp 1 thì chưa chắc các em đã chịu lựa chọn. Đây là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự dư thừa.
Rõ ràng là công tác kế hoạch hóa trong ngành giáo dục của chúng ta chưa thực tốt, sự định hướng với học sinh từ phụ huynh và giáo viên cũng chưa thật rõ ràng. Ngay cả chuyện định hướng cho con em, học sinh của mình biết học cái gì phù hợp với năng lực bản thân để có thể có cơ hội việc làm tốt hơn khi ra trường hay học ngành nào có thể khó khăn, chúng ta cũng chưa làm tốt được. Nhiều học sinh đi học cũng chỉ lựa chọn theo ý thích một cách cảm tính”.
Đề cập đến vấn đề, bản thân các giáo viên thất nghiệp cũng là những người đã được đào tạo bài bản, kết quả học tập tốt, có trình độ năng lực nên việc thất nghiệp là rất thiệt thòi cho họ. Bộ trưởng Trần Hồng Quân đưa ra giải pháp: “Cần tiếp tục tạo điều kiện cho các giáo viên được làm nghề, phát huy sở trường và trình độ của họ khi đã được đào tạo. Bên cạnh đó, phải có những đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các vùng khó khăn.
Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, trong số những người thất nghiệp hiện nay bao gồm cả những người không chịu đi những vùng khó. Nếu đã mất cân đối giữa cung và cầu thì phải đào tạo bổ sung để chuyển nghề. Đây không phải việc làm quá khó, nhất là với tuổi trẻ, các bạn có nhiệt huyết, có khao khát cống hiến.
Tôi nói lại lần nữa, tôi không khẳng định con số 70.000 giáo viên là không đúng, vì có lẽ con số đó được tính toán dựa trên hệ thống giáo dục hiện nay. Nhưng không hẳn chỉ là thừa không mà có thừa có thiếu. Nếu chúng ta chỉ quan tâm những con số thừa thì sẽ tạo ra sự sốt ruột. Học xong cử nhân mà lại thất nghiệp không có việc làm thậm chí đi làm những việc không cần trình độ đào tạo gì thì lại tiếc. Trong khi đó, nếu đến những vùng sâu vùng xa thì sẽ thấy thiếu trầm trọng”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.