“Đối trọng” kiểm soát chất lượng kiểm định
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2020, trung bình mỗi tháng có hơn 2 trung tâm đăng kiểm xã hội hóa mới đi vào hoạt động. Tính đến cuối tháng 9, cả nước có 227 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm và 42 đơn vị đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm.
Trong bối cảnh “nở rộ” trung tâm đăng kiểm cần phải khẳng định rằng, việc thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm định xe cơ giới đã huy động tiềm năng, nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động kiểm định, giảm sự phiền hà, bớt chi phí ngân sách nhà nước, rút ngắn về thời gian cho chủ phương tiện, lái xe khi đi đăng kiểm.
Xã hội hóa trung tâm mới và duy trì hoạt động các trung tâm sự nghiệp nhà nước là đối trọng để kiểm soát chất lượng kiểm định |
Từ khi quy hoạch phát triển trung tâm đăng kiểm vùng, địa phương được xóa bỏ, các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp đầu tư phát triển nhanh chóng về số lượng. Điều này đã xóa bỏ “thế độc quyền”, tạo sự thuận lợi cho chủ phương tiện khi có thể lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định theo mong muốn của mình, không còn tư duy “xin - cho” trong dịch vụ đăng kiểm. Nhờ xã hội hóa, các trung tâm đăng kiểm ngày một khang trang với những thiết bị hiện đại, người mang xe đến đăng kiểm đã trở thành “khách hàng” thực sự, không còn gặp cảnh “quan liêu” mà còn được tư vấn, gọi điện nhắc đến hạn đăng kiểm...
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình đánh giá, đến nay, mục tiêu xã hội hóa đăng kiểm đã đạt được. Mỗi địa phương đều có nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa và trung tâm đăng kiểm thuộc sở GTVT là đơn vị sự nghiệp nhà nước. Khác với các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa mới thành lập từ khối doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đăng kiểm thuộc sở GTVT có bề dầy kinh nghiệm hoạt động hàng chục năm nay và thường sở hữu nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đây là một “đối trọng” để kiểm soát chất lượng kiểm định.
Thách thức lớn
Việc doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước “hợp lực” đã san sẻ tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu xã hội khi lượng phương tiện giao thông gia tăng một cách nhanh chóng. Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, các trung tâm đăng kiểm thành lập mới đều phù hợp với quy hoạch tổng thể.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra trong quá trình xã hội hóa trung tâm đăng kiểm là kiểm soát chất lượng kiểm định. Về vấn đề này, Cục trưởng Trần Kỳ Hình cho rằng, khi bỏ quy hoạch, số lượng trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh chóng gây nên tình trạng cung vượt cầu, có trung tâm rất đông phương tiện nhưng có những trung tâm trong tình trạng “ế ẩm”, điều này dẫn tới hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm nhằm thu hút phương tiện đến đăng kiểm. Hành động cạnh tranh không lành mạnh có thể được thực hiện bằng cách bỏ qua quy trình, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, gian lận, tiêu cực... để thu hút khách hàng. Những điều này sẽ tạo ra tình trạng kiểm định không đảm bảo tiêu chuẩn, khó quản lý chất lượng đăng kiểm.
Trong giai đoạn đăng kiểm bước đầu chuyển từ cơ chế quản lý theo quy hoạch sang cơ chế đầu tư tự do thì không thể tránh khỏi xuất hiện những bất cập. Trong đó, sự tham gia đầu tư từ doanh nghiệp khó tránh khỏi tình trạng thiếu kiên nhẫn, “nôn nóng” với lợi nhuận. Tuy nhiên, đăng kiểm được ví như “người gác cửa” của ngành GTVT về kiểm soát chất lượng phương tiện giao thông. Chính vì vậy, khắc phục những tồn tại phát sinh trong quá trình xã hội hóa kể trên, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc kiểm định xe cơ giới sẽ luôn bám sát theo xu hướng khắt khe đối với các quy trình kỹ thuật và giới hạn năng suất tối đa, đảm bảo môi trường kiểm định phương tiện cơ giới văn minh, hiện đại, khống chế sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Xuyên suốt quá trình xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kiểm soát cũng như mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo chất lượng đăng kiểm. Một trong những nền tảng cốt lõi để kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện là “cuộc cách mạng” tự động hóa, ứng dụng công nghệ số được thực hiện bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Hiện nay, song hành với công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện quản lý trực tuyến với phần mềm quản lý kiểm định, camera giám sát trực tuyến toàn bộ quy trình kiểm định... tại các trung tâm đăng kiểm. Việc sử dụng công nghệ cao để giám sát quá trình kiểm định phương tiện là giải pháp tối ưu, hữu hiệu và bắt nhịp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Từ đó, giải pháp này có thể quản lý tập trung, chống các hành vi tiêu cực, gian lận, vi phạm quy trình chất lượng kiểm định.
Các trung tâm đăng kiểm đều phải đáp ứng việc trang bị loại camera giám sát kết nối với máy chủ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ quá trình quản lý theo dõi trực tuyến bằng hình ảnh và lưu trữ phục vụ hậu kiểm.
Xã hội hóa trung tâm đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn và là “động lực” quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong xu hướng thời đại mới. Những tiêu cực về kiểm định chất lượng phương tiện về cơ bản chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” và là nhất thời, đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo khắc phục nhanh chóng bằng những biện pháp kiểm soát chặt quá trình, chất lượng kiểm định. Ở góc độ tổng thể, trong những năm qua, lĩnh vực đăng kiểm đã “chuyển mình” rất mạnh mẽ, tạo nên một diện mạo hiện đại toàn diện, chất lượng ngày càng được nâng cao, nhận được sự hài lòng và ủng hộ rất lớn của người dân, doanh nghiệp khi có nhiều bước “đột phá” đóng góp to lớn cho xã hội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.