Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ ngày 11/11. Ảnh: Quang Vinh |
Dự án Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) lần đầu tiên được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này. Trong phiên thảo luận ở tổ ngày 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận việc có luật riêng về hợp tác công tư đang "cấp bách". Ông cũng nói rõ quan điểm khi làm Luật Đầu tư PPP là, mọi lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng, đều phải mở để thu hút đầu tư xã hội hoá. "Thuyền lên thì nước lên. Quan điểm này phải rất rõ trong luật mới được", Thủ tướng nói.
"Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt, còn giữ tư duy lạc hậu, đất nước không thể phát triển", ông nói và cho biết, các vấn đề về "luật pháp" rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Còn với nhà đầu tư trong nước, theo ông, hiện do thiếu luật pháp bảo vệ nên nhiều người chưa muốn rót tiền dù nguồn lực trong dân khá lớn. "Khi đầu tư theo hình thức công – tư, cả nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ", ông nói.
Ngoài ra, cần phân cấp giao quyền mạnh hơn, đấu thầu công khai minh bạch. "Chính phủ không nên ôm dự án, công trình. Nhà nước chỉ khuyến cáo những việc thật nguyên tắc. Nếu ôm từ A-Z thì làm sao được", ông nhấn mạnh.
Nguyên tắc "Nhà nước là đối tác bình đẳng của nhà đầu tư" cũng được ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói, nhà nước và doanh nghiệp "ngồi cùng thuyền". Nếu dự án "chìm xuồng", Nhà nước ảnh hưởng và ngược lại, nếu dự án nhanh về đích, Nhà nước được lợi.
Tuy nhiên, không ít đại biểu băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro nêu tại dự thảo. Chính phủ trình Quốc hội xem xét 2 cơ chế: bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu giữa Nhà nước - nhà đầu tư. Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Còn cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Chính phủ trình 2 phương án. Một là chia sẻ với nhà đầu tư không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và cam kết tại hợp đồng. Hai là, nhà đầu tư cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và cam kết.
Ông Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, quy định bù doanh thu như vậy là "bất hợp lý, không công bằng". Ông phân tích, khi đấu thầu dự án PPP, ký hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ làm ăn lỗ chịu. Nếu Nhà nước bù doanh thu sẽ khiến nhà đầu tư có tư tưởng ỷ lại. Quy định này, ông nói, chỉ nên áp dụng với các dự án đặc biệt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro là cần thiết để triển khai dự án PPP. Ông nêu kinh nghiệm được rút ra từ thực tế triển khai các dự án BOT giao thông, nhà đầu tư thường đòi hỏi việc đảm bảo doanh thu, chia sẻ rủi ro. Họ cũng muốn được đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ và đảm bảo trượt giá đồng tiền.
Bộ trưởng Thể dẫn chứng, mang tiền vào đầu tư, một USD bằng 20.000 đồng, nhưng tới khi dự án hoàn thành, một USD lại bằng 25.000 đồng dẫn đến có thể lỗ nếu tính tiền USD.
Đối chiếu Luật đang trình, việc bảo lãnh doanh thu nếu nhà đầu tư lỗ, Nhà nước chia sẻ 50%, nếu họ lãi tốt thì chúng ta cũng được chia lợi nhuận 50%. Luật cũng cho nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, mức độ bao nhiêu %, như thế nào, ông Thể nói "cần nghiên cứu thêm".
Giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, việc có bảo lãnh cho nhà đầu tư hay không gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình soạn thảo dự luật. Huy động dòng vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng lớn khi Nhà nước không đủ nguồn lực là cấp bách, nhưng nếu "cái gì cũng có lợi cho Nhà nước, cái gì cũng chặt chẽ thì nhà đầu tư tư nhân không thể tham gia được".
"Khi không yên tâm về tính rủi ro thì nhà đầu tư sẽ không làm, mục tiêu xã hội hoá khi đó không đạt được. Vì thế, việc Nhà nước chia sẻ rủi ro với họ ở các dự án dạng này là cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự luật này vào ngày 19/11.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.