Năm 2022, TP.HCM cần hơn 5.000 tỷ triển khai 10 dự án giao thông

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/12/2021 20:12

Dự kiến kế hoạch vốn năm 2022 của TP.HCM cần bố trí cho ngành giao thông khoảng hơn 5.000 tỷ đồng để triển khai 10 dự án giao thông.

h1.
Năm 2022 TP.HCM cần hơn 5.000 tỷ đồng khởi công 10 dự án giao thông

Ngày 30/12, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA) tổ chức tổng kết năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ của đơn vị năm 2022.

Báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2021, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA cho biết: “Kết quả giải ngân trong năm 2021 của Ban là 2.050 tỉ đồng, ước đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2021. Ban QLDA đã hoàn thành thủ tục trình phê duyệt 7 dự án; khởi công 7 gói thầu, dự án; đưa vào khai thác sử dụng 19 gói thầu, dự án; phê duyệt 1 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư công 2 dự án; tiếp tục thi công tại công trường 32 dự án; phê duyệt quyết toán 13 dự án”.

Ngoài ra, Ban QLDA đã phối hợp với đơn vị liên quan được thông qua chủ trương đầu tư công 2 dự án là xây dựng nút giao thông An Phú và mở rộng QL50, phê duyệt dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

"Tuy có một số chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020, nhưng do nguồn vốn trung hạn năm 2021 – 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng, giãn tiến độ, không được bố trí vốn…. Bên cạnh đó, có 10 dự án các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cam kết, không được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư", ông Phúc cho biết thêm.

Về phương hướng năm 2022, Ban QLDA đề ra mục tiêu giải ngân đạt trên 95%; dự kiến kế hoạch vốn sử dụng là hơn 5.152 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ, khởi công 10 dự án.

Trong số đó có các dự án đáng chú ý như: Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); mở rộng đường Tân Kỳ Tân quý (quận Bình Tân); xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình); hầm chui nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên; mở rộng đoạn đường Cộng Hòa, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; xây dựng nút giao thông An Phú...

Theo ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cho biết: Thành phố đặt ra mục tiêu cốt lõi để các dự án hạ tầng giao thông đạt tiến độ, chất lượng trong năm 2022.

Một là thích ứng, an toàn, kiểm soát linh hoạt dịch Covid-19; hai là xây dựng chính quyền đô thị kết hợp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Giao thông là mạch máu của thành phố nên không được đứt gãy. Để làm được điều này, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cần làm việc với nhà thầu, phải luôn phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng giải quyết tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… "Người dân đang rất trông chờ các dự án giao thông, nhiều dự án như vành đai, cao tốc có số vốn lớn, không để chậm được phải gấp rút phối hợp”, ông Bình nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận