Một vụ TNGT trên địa bàn tỉnh Nam Định |
Tăng số vụ, số người chết
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, năm 2015 số vụ TNGT trên địa bàn đã xảy ra 163 vụ, làm chết 78 người, bị thương 147 người; so với năm 2014, tăng 14 vụ (+ 9,4%), Tăng 14 người chết (+ 21,9%), giảm 1 người bị thương (- 0,7%). Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 60.240 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 33.237.163.000 đồng, tạm giữ 3.147 GPLX có thời hạn.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phan Phương Đông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo thường xuyên, đề ra nhiều giải pháp thực hiện công tác đảm bảo TTATGT, ban hành nhiều văn bản đôn đốc các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT cùng với đó Ban ATGT tỉnh xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT trên các địa bàn có tình hình TNGT phức tạp, TNGT tăng cao. Tuy nhiên tình hình vi phạm trật tự ATGT không giảm mà còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao “phải thừa nhận rằng nhiều giải pháp đưa ra nhưng thực hiện chưa hiệu quả vì vậy số vụ TNGT chưa được kiềm chế, năm 2015 tăng số vụ và số người chết” ông Đông chia sẻ.
Cũng theo ông Phan Phương Đông, một trong những nguyên nhân khiến TNGT chưa được kiềm chế là do chưa phát huy được cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT: “Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, thiếu sâu sát chỉ đạo thường xuyên trong công tác đảm bảo TTATGT. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác giữ gìn TTATGT chưa hiệu quả, công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT chưa đáp ứng yêu cầu, chưa xuống được cơ sở, thôn, xóm, tổ dân cư ”.
Hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nam Định còn chưa đồng bộ, như trên Quốc lộ 10 nhiều đoạn đường xuống cấp, lún nứt tuy có được sửa chữa nhưng chỉ mang tính tạm thời. Mật độ người, phương tiện lưu thông rất lớn, quá tải, đã xuất hiện ùn tắc cục bộ trên một số đoạn tuyến. Đường giao thông nông thôn được cải tạo nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu hệ thống biển báo, gờ giảm tốc ra đường chính và các thiết bị bảo đảm ATGT, tiềm ẩn gây ra TNGT ở địa bàn nông thôn.
Công tác đảm bảo ATGT cũng gặp nhiều khó khăn như kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát mỏng nên có thời điểm không bao phủ được hết địa bàn nhất là khu vực nông thôn. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ còn phổ biến; việc dựng rạp, tổ chức hiếu, hỉ, phơi thóc lúa, nông sản trên đường giao thông vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tiến độ thực hiện xử lý các đường dân sinh mở trái phép qua đường sắt, đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh còn chậm do ngành đường sắt không bố trí được kinh phí. Xe quá tải còn hoạt động trên một số tuyến đê; xe tự chế ba, bốn bánh vẫn còn hoạt động nhiều.
Phát động toàn dân đảm bảo TT ATGT tại Nam Định |
Quyết tâm kéo giảm TNGT
Ông Lê Nguyên Khính – Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, năm 2016 với quyết tâm kéo giảm TNGT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng các văn bản chỉ đạo sâu sát yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết tâm kéo giảm từ 5% trở lên TNGT ở cả 3 tiêu chí. “Chúng tôi chủ động triển khai, thực hiện quyết liệt chủ đề năm an toàn giao thông 2016 với quyết tâm giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên cả 3 tiêu chí. Ngay từ đầu năm Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các văn bản, kế hoạch, yêu cầu các cấp các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ từ đó hình thành văn hóa giao thông gắn với với mục tiêu tính mạng con người là trên hết, quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược đảm bảo ATGT đường bộ tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Ông Khính chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Nguyên Khính, để kéo giảm TNGT các cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT, thực hiện nếp sống "văn hóa giao thông"; tích cực hưởng ứng hoạt động "Phòng, chống người lái xe uống rượu, bia"; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cụm dân cư, tổ dân phố v.v…Đồng thời chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT, CSCĐ phối hợp với lực lượng TTGT và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về chở hàng quá khổ, quá tải. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm, phát hiện và kiên quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.
Đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề, đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật TTATGT tại các vùng nông thôn, các tuyến đường liên huyện, liên xã; chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm, kịp thời các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng cường tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ tận tụy, gương mẫu, thực hiện văn hóa ứng xử trong khi làm nhiệm vụ…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đảm bảo ATGT năm 2016 tỉnh Nam Định cũng đã có những giải pháp cụ thể mà nhiệm vụ trước mắt là công tác đảm bảo TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân 2016 góp phần nhằm kéo giảm TNGT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.