Năm lao đao của taxi, vé số truyền thống

Doanh nghiệp 30/12/2017 11:27

2017 là năm mà những đối thủ công nghệ như Uber, Grab hay Vietlott đã khuynh đảo thị trường taxi và vé số truyền thống.

 

Năm lao đao của taxi, vé số truyền thống
Nhiều taxi truyền thống căng băng rôn phản đối taxi công nghệ. Ảnh: Anh Tú.

Taxi bị dồn vào đường cùng

Cuối tháng trước, hàng trăm lái xe hãng taxi Ba Sao tại Hà Nội đình công đòi quyền lợi vì thu nhập thấp, tiền đàm cao. Nhiều tài xế hãng này bức xúc vì mức thu nhập hiện giảm gần một nửa so với trước khi có Uber, Grab. Theo họ, mức này không đủ để trang trải cuộc sống gia đình hay trả tiền vay mua xe…

Thu nhập giảm không chỉ là câu chuyện của riêng tài xế Ba Sao mà xảy ra với hầu hết cánh tài xế truyền thống hiện nay, khi  họ đánh mất chỗ đứng trên thị trường vào tay taxi công nghệ. Nhiều hãng taxi còn phải giải thể hoặc sáp nhập, nhiều tài xế bỏ nghề.

Ngay cả với "đại gia" Vinasun, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo tài chính hồi tháng 7. Tổng số nhân viên của hãng này giảm gần 8.000 người so với đầu năm.

Cùng chung hoàn cảnh, taxi Mai Linh cũng có gần 6.000 nhân sự nghỉ việc. Còn theo tính toán của Hiệp hội Taxi TP HCM, gần 3.000 xe taxi ở Sài Gòn đã bị xóa sổ từ khi các hãng taxi công nghệ xuất hiện.

Điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống khác Uber, Grab ra sao?

Trước tình trạng trên, các hãng taxi truyền thống đã phải liên tục tung đòn chống ế, để lấy lại thị phần. Đầu tháng 10, các hãng taxi hai miền Nam, Bắc đua nhau dán khẩu hiệu xoay quanh câu chuyện taxi công nghệ làm thất thoát ngân sách để thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống lần lượt ra mắt ứng dụng đặt xe trên di động, các sản phẩm minh bạch giá cước, tung khuyến mại… với hy vọng cải thiện hình ảnh trong mắt khách hàng.

Mới đây nhất, Mai Linh còn cung cấp thêm cả dịch vụ xe ôm công nghệ (MBike). Với mức chiết khấu thấp hơn, doanh nghiệp này hy vọng sẽ lôi kéo được nhiều đối tác hiện tại của Uber, Grab. Vinasun cũng dự kiến sớm tham gia vào lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi TP HCM và Hà Nội nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT rà soát, tạm dừng khẩn cấp, không tiếp tục thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử như Uber, Grab. Các hiệp hội đưa ra nhiều nguyên nhân như taxi công nghệ vượt quá số lượng gây kẹt xe hay làm bất ổn thị trường...

Trước những bất cập này, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, sẽ không thể để Uber và Grab hoạt động như hiện nay trong một cuộc họp giữa tuần trước.

Xổ số truyền thống mất thế độc tôn

Không chỉ có câu chuyện giữa tài xế truyền thống và công nghệ, cuộc giằng co giữa vé số kiến thiết và điện toán cũng là ví dụ điển hình.

Cuộc giằng co chủ yếu diễn ra giữa các công ty xổ số kiến thiết miền Nam với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott). Ngay từ đầu năm 2017, Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã tung cơ cấu giải thưởng mới cho vé số truyền thống, nâng giải đặc biệt từ 1,5 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng để thu hút người chơi trước giải thưởng "khủng" thấp nhất 12 tỷ đồng của Jackpot Mega 6/45.

Một số công ty xổ số kiến thiết còn tung ra thêm các loại hình vé số tự chọn để làm phong phú sản phẩm. Song song đó, nhiều tỉnh thành lên tiếng quan ngại về việc Vietlott làm giảm nguồn thu từ vé số truyền thống, "tố" vé Vietlott được bán tại những địa bàn chưa cấp phép hoạt động.

Bất chấp phản ứng, Vietlott thu hút khách hàng bằng hàng loạt lần "nổ" Jackpot từ chục tỷ đồng đến trăm tỷ đồng dù vẫn có một vài hồ nghi của khách hàng. Công ty tích cực bắt tay với các đơn vị truyền hình, chạy quảng cáo rầm rộ trên billboard ngoài trời, các khu vực công cộng như nhà ga, trạm xe buýt. Đến tháng 9/2017, công ty còn tung ra thêm sản phẩm Mega 6/55 với Jackpot 1 ít nhất 30 tỷ đồng.

Cuộc đua giữa vé số truyền thống và điện toán vẫn tiếp tục. Nửa đầu năm 2017, Vietlott báo lãi kỷ lục từ khi thành lập, xấp xỉ 133 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam cho biết, doanh số phát hành của 22 công ty thành viên trong nửa đầu năm nay đạt 44.520 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vẫn có lãi nhưng các công ty cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đã có dấu hiệu chững lại vì sự cạnh tranh của Vielott.

Ý kiến của bạn

Bình luận