The Atlantic đăng bài luận của Nguyễn Tiến Thành. Ảnh chụp màn hình |
Trong năm thứ hai tổ chức cuộc thi, The Atlantic và College Board yêu cầu thí sinh viết luận về một tác phẩm nghệ thuật đã truyền cảm hứng cho họ. Hơn 2.000 thí sinh từ 44 quốc gia gửi bài dự thi.
24 giáo sư về viết luận và lịch sử nghệ thuật xem xét, chọn ra 20 bài viết xuất sắc vào vòng chung khảo. Sau đó, hội đồng giám khảo của The Atlantic và College Board đưa ra quyết định cuối cùng.
Thí sinh giành chiến thắng là Nguyễn Tiến Thành. Nam sinh sống ở Hà Nội và sẽ theo học tại Đại học Duke, Mỹ vào mùa thu năm nay.
Tiến Thành chọn viết về The School of Athens, bức bích họa của họa sĩ Raphael, họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng Italy thời Phục Hưng.
Tác phẩm này được vẽ vào khoảng năm 1509 - 1510, tái hiện hình ảnh 21 triết gia, nhà khoa học đại diện cho cái nôi của sự phát triển văn hóa nhân loại.
Nguyễn Tiến Thành cho rằng, The School of Athens đại diện cho quan điểm, tầm nhìn sâu rộng của Raphael về việc học: Học tập không ngừng nghỉ, vượt qua mọi giới hạn vật chất, văn hóa.
Theo nam sinh, tác phẩm này mang lại cho cậu hy vọng về chiến thắng cuối cùng của niềm đam mê học hỏi, khao khát kiến thức trước các rào cản văn hóa, chính trị.
Tiến Thành cho biết, với cậu, bức bích họa là lời mời gia nhập với các nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ để mọi người có thể học hỏi hoặc đặt ra nghi vấn về quan điểm của họ.
Chủ nhân giải thưởng năm nay cũng liên hệ tới tình hình thực tế ở Việt Nam, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của tư duy phản biện cũng như vai trò của The School of Athens trong việc giúp học sinh hình thành lối suy nghĩ và cách tiếp cận tri thức.
"Bài học sâu sắc nhất tôi nhận được từ The School of Athens là các nhà tư tưởng vĩ đại ở đó không phải để chúng ta tôn trọng, không hoài nghi, mà để chúng ta hoài nghi một cách tôn trọng. Với tôi, tác phẩm này mang tầm ảnh hưởng lớn vì nó nhắc nhở rằng, dù trong điều kiện của nước tôi, những người khao khát kiến thức cũng có thể học tập theo những tư tưởng mà bức họa truyền tải.
Tinh thần tự do trí tuệ và tư duy phản biện trên toàn thế giới không thể bị khuất phục. Và trong khi chờ đợi để được tận mắt chiêm ngưỡng bức bích họa vào một ngày nào đó, tôi sẽ luôn luôn nỗ lực để xây dựng một The School of Athens cho riêng mình tại bất cứ nơi đâu mà niềm đam mê tri thức đưa tôi đến", Nguyễn Tiến Thành kết lại bài luận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.