Nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực Đường thủy nội địa

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/03/2016 10:47

Những chính sách đang được soạn thảo trong đào tạo lĩnh vực ĐTNĐ sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn về đảm bảo ATGT và phát triển giao thông thủy.

 

_DSC6467 tau huan luyen
Cả nước hiện có 22 cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (TNĐ) và áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo lĩnh vực này.

Cụ thể, nội dung Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận, mẫu giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ. Các thủ tục hành chính hiện hành được chuyển hóa vào Dự thảo đảm bảo yêu cầu tối đa đơn giản hóa thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện.

Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, mục tiêu chủ yếu của chính sách này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh; giải quyết những vấn đề còn chồng chéo để nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường TNĐ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành; tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo này.

Cùng với đó, Nghị định mới hướng đến việc tạo sự công bằng, công khai, minh bạch trong công tác đào tạo, thi, kiểm tra cấp Giấy chứng nhận Kỹ năng chuyên môn, Chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ; nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ nhằm phát huy hết khả năng, làm chủ khoa học tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn vận tải đường TNĐ và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, thực tế xã hội và ổn định lâu dài.

Theo đánh giá tác động dự thảo, phương án tối ưu được lựa chọn sẽ có thời gian thực hiện sau 6 tháng hoặc 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Đánh giá về dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, dự thảo được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan. Đặc biệt là phù hợp với yêu cầu thực tế triển khai, trình độ phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, phải tập trung tổ chức làm việc cùng các cơ sở đào tạo để lắng nghe các ý kiến đóng góp mang tính cụ thể và sát nhất với thực tế, từ đó hoàn thiện nội dung nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đang tồn tại trong quá trình đào tạo hiện nay.

Thứ trưởng giao các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, lên danh sách và đánh giá cụ thể thực trạng tốt - xấu của tất cả cơ sở đào tạo công lập, tư nhân đang triển khai thực hiện theo nội dung Thông tư 57/2014/TT-BGTVT.

Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện các yêu cầu nhằm hoàn thiện tối ưu Dự thảo Nghị định để sớm đưa những quy định bức thiết này áp dụng vào cuộc sống.

Cùng với sự tăng trưởng của vận tải TNĐ, trong những năm qua, các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ được hình thành và phát triển mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa. Nếu năm 2004 chỉ có 2 cơ sở đào tạo thì đến nay là 22 cơ sở trên phạm vi cả nước, trong đó có 16 đơn vị công lập, 6 đơn vị kinh tế tư nhân. Việc phát triển cơ sở đào tạo, phát triển đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ cả về chất lượng, số lượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực cho lĩnh vực vận tải thủy đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận