Một năm với nhiều điểm sáng
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang khẳng định, năm 2015 là năm đầu tiên ngành ĐTNĐ có sự đổi mới toàn diện và nổi bật với nhiều điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính và phát triển kinh tế đất nước.
Với sự quyết liệt của các cấp, ban, ngành, hai dự án WB5, WB6 đã cơ bản được hoàn thành cùng một loạt các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến kênh đang được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo phát triển tốt cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy trên toàn quốc.
Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện có 58 dự án xã hội hóa theo hình thức nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm đã được chấp thuận và triển khai. Các công trình sửa chữa, bổ sung báo hiệu, thông báo luồng, công trình sửa chữa, duy tu kè, thanh thải vật chướng ngại thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng đã được hoàn thành.
Công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, khối lượng và giải ngân theo kế hoạch. Tính đến hết năm, trên toàn tuyến ĐTNĐ quốc gia đã hoàn thành 100% kế hoạch công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, sự cải cách về thể chế chính sách, thủ tục hành chính cũng là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh ngành ĐTNĐ năm 2015. Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết, bên cạnh việc giảm số lượng thủ tục hành chính từ 88 xuống 59 thủ tục, Cục đã chú trọng hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và coi cải cách hành chính là động lực quan trọng để phát triển vận tải thủy.
Theo kế hoạch năm 2015, Cục đăng ký thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 3 thủ tục. Song, với sự nỗ lực thực hiện cải cách, Cục đã hoàn thành và triển khai công bố thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 25 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 42% số dịch vụ, vượt 8 lần so với kế hoạch đăng ký.
Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều phần mềm quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có và phấn đấu đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành việc cung cấp tất cả 59 thủ tục hành chính công lên cấp độ 3, 4, từng bước đưa vào áp dụng mô hình Chính phủ điện tử tại Cục ĐTNĐ Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá, đây là bước tiến lớn trong việc thực hiện mục tiêu “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp” khi giảm chi phí vận tải, giá cước vận tải, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn trong công tác quản lý, đặc biệt là việc kiểm soát sự trong sạch của người thực thi công vụ.
Phát huy vai trò giao thông thế mạnh
Ngay từ khi chính thức được đưa vào khai thác từ tháng 7/2014, sau hơn 1 năm triển khai, tính đến tháng 11/2015, các cảng vụ đã làm thủ tục cho 7.127 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng bến với trên 6,7 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển, các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm: Than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO…
Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nhìn nhận, việc khai thác tuyến vận tải ven biển được coi là tiếp bước cha anh vì trước đây những “đoàn tàu không số” trong thời kháng chiến cứu nước cũng đã sử dụng hiệu quả tuyến vận tải này.
“Việt Nam có khoảng 3.000km đường ven biển với 124 cửa sông. Thông qua vận tải ven biển, tàu sông được phép đi ven biển giúp giảm chi phí vận tải, giảm áp lực lớn cho QL1 và mở ra xu thế khai thác cửa sông” - Cục trưởng cho biết.
Tuyến vận tải ven biển rất phù hợp với thực tế của Việt Nam. Nếu như trước đây, các tuyến đường sông khu vực miền Trung rất ngắn dẫn đến việc khó khăn trong khai thác, thậm chí nhiều tuyến không khai thác được, thì nay hàng hóa vận chuyển từ miền Bắc sẽ đi theo tuyến ven biển và có thể vào sâu trong nội địa khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, người dân kinh doanh vận tải nhỏ lẻ cũng có thể tham gia thị trường vận tải này thay vì chỉ có tàu biển mới được phép đi như trước đây. Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định, việc đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển được coi là hướng đi đúng, trên thực tế đây là thành công của ĐTNĐ Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa năm 2015, vận chuyển hành khách trên ĐTNĐ đạt 134,211 triệu hành khách, tăng 3,5%; luân chuyển 2,27 tỷ hành khách.km, tăng 6,3% so với năm 2014. Vận chuyển hàng hóa đạt 194,6 triệu tấn, tăng 4,5%; về luân chuyển đạt 39,9 tỷ tấn.km, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đó, thị phần vận tải đường thủy so với các lĩnh vực khác được tăng lên khoảng 2% (từ 17,4% lên 19,3%); sản lượng vận tải tăng khoảng 18% so với 2014.
Đổi mới để tăng cường nội lực
Một bước tiến đặc biệt quan trọng của ngành ĐTNĐ trong năm 2015 là hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 10 Đoạn Quản lý bảo trì đường sông từ đơn vị sự nghiệp công sang mô hình công ty cổ phần (CTCP). Đến ngày 01/4, các công ty cổ phần Quản lý bảo trì ĐTNĐ đã chính thức đi vào hoạt động theo đúng lộ trình của Ban chỉ đạo đề ra. Sau CPH, các đơn vi đã tinh giản được tổng số 161 định biên.
Cục trưởng cho biết thêm, các CTCP Quản lý bảo trì ĐTNĐ hiện đã đi vào ổn định. Doanh thu của đơn vị được đảm bảo như những năm trước, đời sống việc làm người lao động ngày càng được cải thiện và thu nhập được nâng lên so với trước khi CPH. Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được mở rộng, tư duy điều hành, hoạt động bắt đầu có sự thay đổi, tính chủ động, năng động của cán bộ, CNV và lãnh đạo được cải thiện rõ rệt. Tuy người lao động còn nhiều tâm tư khi chuyển từ đơn vị quản lý nhà nước sang doanh nghiệp nhưng cũng đã được các tổ chức đoàn thể của Ngành tích cực động viên và hỗ trợ.
“Việc CPH là chủ trương đúng đắn và chắc chắn mang lại hiệu quả phát triển kinh tế đất nước tốt hơn, đặc biệt là chủ trương tiến hành đấu thầu dịch vụ quản lý bảo trì ĐTNĐ sẽ tạo ra cơ chế làm việc tốt hơn cho các công ty thay vì chỉ làm việc theo kế hoạch như trước đây”, Cục trưởng Giang khẳng định.
Theo đó, các công ty sẽ chủ động, năng động và tăng sức cạnh tranh cũng như điều kiện đầu tư trang, thiết bị, cơ sở vật chất để đảm đương những việc lớn hơn, khó hơn. Qua đó, thị trường kinh doanh của những công ty này sẽ được mở rộng và toàn diện hơn
Trong năm 2016, Cục sẽ hoàn thành công tác bàn giao giữa các đoạn và các CTCP sau CPH trên cơ sở phê duyệt của Bộ GTVT về các quyết toán thu, chi và tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn tất cả CTCP Quản lý ĐTNĐ.
Thời gian qua, một loạt công tác của thanh tra, đào tạo cảng bến đã được cải tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào toàn bộ các nghiệp vụ trong Ngành, tạo ra bộ mặt mới trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, tư duy, không khí của người lao động trong Ngành cũng hưng phấn, hào hứng hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.