Số vụ TNGT chết do sử dụng rượu bia chiếm tỉ lệ cao (Ảnh: Minh họa) |
Chết oan vì... rượu bia.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi ngày có 26 người chết vì TNGT, trong đó TNGT liên quan đến bia rượu chiếm 36.5%.
Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, cứ khoảng 17h, những quán bia lớn trong thành phố Hà Nội có đông người tìm đến. Điển hình như quán bia H.X trên đường Hoàng Quốc Việt, nhà hàng bia hơi L.C ở Lê Văn Lương hay những quán bia trên đường Trần Thái Tông, Nguyễn Tuân, Thu Hằng trên đường Phạm Hùng khách ra vào tấp nập… Không chỉ người đến quán bằng xe máy, mà một lượng lớn lái xe ô tô cũng đến quán sớm chiều, các nhà hàng, quán bia này phải bố trí từ 2 -3 nhân viên để sắp xếp chỗ đỗ cho những thực khách này. Một nhân viên quán bia L.C trên đường Lê Văn Lương tiết lộ: “Trời nắng nóng mỗi ngày tính ra quán cũng phải bán được 2.000 lít bia”.
Thực tế cho thấy, uống rượu bia đã trở thành thói quen của mỗi người, tuy nhiên việc lạm dụng bia rượu không những gây tác hại lớn cho sức khỏe mà còn gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng. TS Trương Hồng Sơn - Chánh Văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, lượng rượu tiêu thụ của người Việt Nam trên 15 tuổi trong năm 2014 được quy đổi ở mức 6,6 lít alcohol nguyên chất, cao hơn so với trung bình của thế giới (6,2 lít) và đang có xu hướng tăng rất nhanh. Dự báo đến năm 2025 số tiêu thụ sẽ là 7 lít/người/năm. Với tác hại của rượu bia đặc biệt đối với những người tham gia giao thông thì đây là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến TNGT ở Việt Nam.
Mới đây, ngày 9/6, trên QL 14 đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Đắk Hà (Kon Tum) đã xảy ra một vụ TNGT do Bùi Văn Đồng (22 tuổi, Ngọc Hồi, Kon Tum) điều khiển xe xe ô tô con mang BSK 82A – 024.40 gây tai nạn khiến 2 người chết, 5 người bị thương nặng phải nhập viện. Điều đáng nói là khi điều tra cơ quan công an phát hiện Bùi Văn Đồng chưa có giấy phép lái xe. Thời điểm gây tai nạn nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Gần đây nhất, ngày 13/7 cũng xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng, tại cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) xe ô tô 7 chỗ bị ô tô 16 chỗ phía sau tông vào, tài xê ô tô 7 chỗ mất lái, lấn sang làn đường ngược chiều và tông trực diện vào 2 xe máy khiến 5 người thương vong. Đặc biệt, khi cơ quan tiến hành đo nồng độ cồn tài xế lái ô tô 7 chỗ thì phát hiện vị tài xế này có hơi men khi lái xe.
Nâng cao chế tài xử lý
Một quán bia trên đường Trung Kính nhân viên đang sắp xếp chỗ cho ô tô, xe máy để. |
PGS.TS Hoàng Đình Ban Trưởng khoa CSGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, cần phải tăng cường vai trò quản lý của nhà nước về sử dụng rượu bia. Đồng thời nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dung rượu bia trong giờ làm việc.
Ngoài ra, cần phải nâng mức xử phạt như: tước giấy phép lái xe khi đối tượng vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Bổ sung hình phạt tù giam khi uống bia rượu gây tai nạn. Phải làm nghiêm để răn đe thì các chủ phương tiện mới sợ và chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông.
HiệnLuật Giao thông đường bộ đã cấm hoàn toàn đối với người điều khiển ô tô và chỉ cho phép một lượng rất nhỏ đối với người điều khiển xe gắn máy, Nghị định 171 được sửa đổi với hướng tăng nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền cả chủ xe và lái xe, bị tạm giữ phương tiện. Thế nhưng chế tài để xử lý tình trạng trên vẫn còn hời hợt, chưa thực sự hiệu quả nên các đối tượng vi phạm vẫn “nhờn” luật.
Gần đây nhất, để giảm thiểu tình trạng TNGT liên quan đến bia rượu, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức buổi hội thảo về việc: “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia”. Tại đây, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trên bao bì cần có các khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng để người uống biết các thông tin mà chủ động khi uống.
Để đảm bảo ATGT cho chính bản thân, gia đình và xã hội mọi người nên chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh khi lái xe. Hạn chế sử dụng bia rượu khi đang tham gia giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.