Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp. |
Sáng 30/9, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với Tổng công ty đường sắt và các bên liên quan cùng bàn bạc, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao khả năng khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh.
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá tuyến đường Hà Nội - Vinh là tuyến đường có tiềm năng khai thác luồng hàng, luồng khách bởi trên dọc tuyến đường có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhiều khu công nghiệp, nhà máy là khu vực kết nối 5 tuyến đường, nhu cầu vận chuyển cao. Về kết cấu hạ tầng phục vụ hành khách hiện nay trên khu đoạn Hà Nội - Vinh mới chỉ có 2 ga có ke cao và mái che là ga Hà Nội và ga Vinh, còn lại hầu hết không có mái che và chưa có ke cao. Về bãi hàng, từ Vinh ra chưa có bãi hàng nào được xây dựng tiêu chuẩn, một số bãi hàng nhỏ đã đầu tư như ga Trường Lâm còn lại hầu hết sử dụng bãi hàng trên nền đất đã cấp phối.
"Hiện nay do năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hạn chế nên vận tải đường sắt trên tuyến mới đáp ứng được khoảng 33% lượng hàng hóa thông qua, khoảng trên 54% lượng hàng hóa nội tuyến. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt cần phải đầu tư đồng bộ để nâng cao năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt", ông Tùng nhấn mạnh.
Theo đó, tuyến đường Hà Nội - Vinh đi qua nhiều thành phố, Khu đông dân cư, nhiều đường ngang, tốc độ cầu đường trên tuyến biến đổi liên tục ở cự lý ngắn, nên đoàn tàu không phát huy được tốc độ kỹ thuật, thời gian chạy lữ hành kéo dài với tàu khách khu đoạn nhanh bằng 61% tốc độ cầu đường bình quân và bằng 68% tốc độ kỹ thuật bình quân. Đặc biệt tại ga Giáp Bát, đường xếp dỡ hạn chế, ô tô chỉ được và ga xếp dỡ hàng hóa từ 20 giờ đến 5 giờ sáng và thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa nên không đáp ứng được nhu cầu xếp dỡ hàng hóa.
Hàng hóa chuyển tiếp từ phía Nam đi phía Tây và ngược lại đều phải chạy thêm 2 lần đoạn đường từ ga Văn Điển đến ga Giáp Bát làm tăng chi phí vận chuyển gây bội tải cho ga Giáp Bát. Ngoài ra, một số khu công nghiệp mới như xi măng Công Thanh, khu công nghiệp Duy Tiên, Đồng Văn - Hà Nam, Nghi Sơn - Thanh Hóa… không có đường sắt kết nối, việc xếp dỡ phải trung chuyển bằng ô tô làm tăng chi phí vận tải, mất khả năng cạnh tranh.
Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị để có thể nâng cao khả năng khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, trước hết cho phép ô tô được vào ga Giáp Bát đưa lấy hàng cả ngày và đêm (trừ giờ cao điểm) để nâng cao năng lực xếp dỡ hàng của ga và cần cho đầu tư hệ thống thoát nước ga Giáp Bát để công tác giải thể lập tàu, đưa lấy xe xếp dỡ liên tục và giảm chi phí. Đồng thời, đầu tư đường nhánh để kết nối đường sắt vào các khu công nghiệp Nghi Sơn - Thanh Hóa, khu công nghiệp Nam Cấm, Bắc Vinh - Nghệ An, Cảng Cửa Lò, Cảng Nghi Sơn,…
Ngoài ra, các đơn vị cần ưu tiên sớm xây dựng ga Ngọc Hồi là hàng hóa phía Nam Hà Nội, kết nối khu gian Ngọc Hồi - Văn Điển với khu gian Văn Điển - Hà Đông để chuyển tiếp hàng hóa từ phía Nam đi phía Tây và ngược lại không phải về ga Giáp Bát, giảm chi phí vận chuyển và giảm ách tắc tại các đường ngang khu vực Văn Điển đến ga Giáp Bát; đầu tư, nâng cấp ga Khoa Trường thành ga hàng hóa tập trung của khu vực Bắc miền Trung, có các đường nhánh kết nối vào khu Công nghiệp Nghi Sơn, Cảng Nghi Sơn và nhà máy xi măng Công Thanh để thu hút luồng hàng tại khu vực này đi bằng đường sắt và kết nối giữa vận tải đường sắt và vận tải đường biển.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng nhiều nơi hệ thống đường sắt của mình rất khó phát triển vì không có kết nối với các phương thức khác nhau, chúng ta có các vị trí tập kết nếu như khai thác tốt các vị trí đó thì tình thế sẽ khác. Về vận tải hành khách, mùa hè là mùa bán vé, mùa du lịch nhưng chúng ta chưa thực sự quan tâm tới, làm rất nửa vời.
“Tôi đề nghị Vụ Quản lý doanh nghiệp có báo cáo về đổi mới và phương án cổ phần hóa của Tổng công ty Đường sắt, riêng đối với Tổng công ty Đường sắt các đồng chí phải có báo cáo trả lời các ý kiến, báo cáo đề án và gửi sớm lên Bộ trước 15/10, tất cả các thông số các đồng chí phải xem xét lại và đặc biệt về công tác quản trị, chúng ta phải xuất phát điểm là đang có vậy và làm sao phải nâng khả năng khai thác lên. Về Bộ, chúng ta sẽ đi khảo sát, vào các đơn vị xem chúng ta đang làm ăn với họ ra sao và khi về di chuyển bằng tàu để đánh giá”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.