Sinh viên thực hành trên hệ thống giả định kiểm soát không lưu |
Thực trạng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành HK tại Việt Nam
Do công tác đào tạo nhân lực chuyên ngành HK đòi hỏi chuyên sâu nên phần lớn các cơ sở đào tạo lao động chuyên ngành HK ở Việt Nam mới tập trung đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ chuyên môn HK và huấn luyện thực hành. Đào tạo sau đại học các chuyên ngành HK chủ yếu được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tham gia đào tạo kỹ sư HK mang tính hàn lâm thì Học viện HK Việt Nam là cơ sở đào tạo nhân lực chuyên ngành HK duy nhất ở Việt Nam từ trình độ trung cấp, chứng chỉ chuyên môn HK và đại học.
Hiện nay, Học viện HK Việt Nam đang đào tạo các chuyên ngành hàng không như: Quản lý hoạt động bay, kỹ thuật hàng không, quản trị kinh doanh vận tải HK, quản trị kinh doanh cảng HK, quản trị du lịch HK ở trình độ đại học; công nghệ kỹ thuật, điện tử truyền thông HK ở cả trình độ đại học và cao đẳng; kiểm soát không lưu, kỹ thuật cơ khí bảo dưỡng tàu bay, kỹ thuật điện tử tàu bay, kiểm tra an ninh hàng không, dịch vụ thương mại hàng không ở cả trình độ cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ chuyên môn hàng không cũng như chứng chỉ chuyên môn hàng không cho nhân viên điều độ khai thác bay, mặt đất phục vụ chuyến bay… Sau nhiều năm đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Học viện đã có Trung tâm đào tạo phi công tại Cam Ranh. Cuối năm 2012, Học viện đã triển khai khóa đào tạo bằng lái tàu bay tư nhân (PPL) cho Tổng công ty HK Việt Nam, mở ra một hướng đi mới và nâng cao năng lực về đào tạo người lái tàu bay cơ bản ở Việt Nam.
Về công tác huấn luyện, để đáp ứng nhiệm vụ, Tổng công ty HK Việt Nam, Tổng công ty Cảng HK Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và một số doanh nghiệp khác trong Ngành đều tổ chức các trung tâm huấn luyện. Hiện tại có hai mô hình mà các doanh nghiệp trong Ngành đang tuyển dụng, sau đó đào tạo và huấn luyện. Mô hình 1: Các doanh nghiệp thường tuyển người lao động đã được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chung, rồi đào tạo bổ túc kiến thức tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành HK và sau đó huấn luyện theo nghề nghiệp và công việc mà họ đảm nhận. Mô hình 2: Các doanh nghiệp tuyển người lao động đã được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành HK rồi huấn luyện theo nghề và công việc mà họ đảm nhận.
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực HK
Với gần 39.000 lao động trong Ngành hiện nay, Cục HK Việt Nam dự báo đến năm 2020 có khoảng 45.000 người làm việc trong Ngành, trung bình tăng 5%/năm. Kết hợp với số giảm tự nhiên khoảng 3% mỗi năm, ước tính mỗi năm Ngành phải bổ sung khoảng 3.000 lao động. Ngoài ra, xã hội cũng có một lực lượng lao động tương đương liên quan đến ngành HK Việt Nam, cần đào tạo lao động chuyên ngành HK. Như vậy, dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành HK Việt Nam và xã hội cần bổ sung bình quân hàng năm khoảng 6.000 người/năm được đào tạo chuyên ngành và liên quan đến ngành HK.
Đường lối đổi mới và xu thế hội nhập của Đảng và Nhà nước đã hình thành nhiều cơ sở đào tạo, huấn luyện lao động chuyên ngành HK trong nước cũng như hội nhập với cơ sở đào tạo lao động chuyên ngành HK nước ngoài. Điều này một mặt cho phép người học có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở đào tạo lao động chuyên ngành HK phù hợp, mặt khác đòi hỏi các cơ sở đào tạo lao động chuyên ngành HK phải không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành HK Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới.
Giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành HK
Thứ nhất, Nhà nước cần quy hoạch để làm định hướng cho công tác đào tạo lao động chuyên ngành HK của các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân với công tác đào tạo, huấn luyện của các doanh nghiệp HK nhằm phân công, phối hợp và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo lao động chuyên ngành HK.
Thứ hai, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục mở rộng ngành, nghề ở các trình độ khác nhau và đa dạng hóa hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu của Ngành và xã hội. Thời gian tới cần xem xét mở thêm ngành khai thác HK trình độ đại học, các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo thạc sỹ các chuyên ngành HK; xúc tiến việc xây dựng chương trình đào tạo đại học liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài về các chuyên ngành HK; liên kết với nước ngoài trong việc đào tạo phi công cơ bản.
Thứ ba, các cơ sở đào tạo phải không ngừng cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội và người học; hàng năm cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp, người học đã ra trường và các tổ chức xã hội để rà soát sửa đổi bổ sung các chương trình cho phù hợp; xây dựng các chương trình đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo; nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ và bổ sung xét tuyển ngoại hình đầu vào đối với các nghề đào tạo lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng.
Thứ tư, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo nhân lực chuyên ngành HK, các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp HK nhằm đưa đào tạo sát với nhu cầu xã hội, gắn lý thuyết với thực tế và tận dụng thế mạnh của nhau trong việc đào tạo và huấn luyện nhân lực chuyên ngành HK. Việc liên kết cần mang tính tổng thể và toàn diện từ khâu tuyển sinh, mô hình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, huấn luyện viên đến tuyển dụng người học sau khi ra trường. Theo đó, các doanh nghiệp với vai trò là những nhà tuyển dụng cần có kế hoạch và tiêu chuẩn tuyển dụng nhân lực ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để cơ sở đào tạo lập kế hoạch và tiêu chuẩn tuyển sinh, đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc tuyển dụng các sản phẩm đã liên kết để tránh lãng phí nguồn lực của Ngành và xã hội.
Thứ năm, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần tuyển dụng bổ sung đội ngũ nhà giáo để đảm bảo tỷ lệ sinh viên, học sinh/nhà giáo đạt chuẩn theo quy định; khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng việc cập nhật kiến thức và thực hành; phát triển và nâng cao kiến thức nghề nghiệp, kiến thức thực tế của đội ngũ nhà giáo thông qua thực tế tại các doanh nghiệp trong Ngành; mời các chuyên gia, nhà giáo trong Ngành tham gia giảng dạy, hướng dẫn người học tại cơ sở đào tạo; mở rộng hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo thông qua việc gửi đi đào tạo ở nước ngoài; đào tạo lấy các chứng chỉ của ICAO, IATA…; có chế độ ưu đãi nhằm thu hút, tuyển dụng được những cán bộ, giảng viên có trình độ cao, những chuyên gia giỏi về công tác.
Thứ sáu, các cơ sở đào tạo cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ công tác đào tạo; từng bước hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu học tập và trang thiết bị thực hành. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở thực hành cho đào tạo chuyên ngành HK; quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí; huy động nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu hợp pháp để ưu tiên phát triển xây dựng giảng đường, trang thiết bị học tập, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng hệ thống tài liệu, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.