Vé tàu tết đã bán hết, vé máy bay lại quá cao so với khả năng nên hiện người lao động chỉ biết trông chờ mua vé xe để về quê đón tết. Tình hình vé xe khách đi lại trong dịp Tết Bính Thân 2016 tại Tp. Hồ Chí Minh đang nóng từng ngày. Trong bến xe Miền Đông (BXMĐ), một số hãng xe thương hiệu bán trước vé tết đã treo biển hết vé đi vào những ngày cao điểm về các tỉnh miền Trung; còn bên ngoài, nhiều hãng xe lại nâng giá xe tết cao gấp 2-3 ngày thường, bắt chẹt người lao động.
Hành khách đa phần là công nhân đón xe khách tại bến xe Miền Đông (Tp. Hồ Chí Minh). |
Trong bến, “cháy vé” tết đi các tỉnh miền Trung
Chị Nguyễn Thị Oanh (công nhân may tại KCN Tân Bình), sau khi tan ca tranh thủ chạy ra BXMĐ để mua vé xe về quê Quảng Ngãi ngày 26 tết. Đứng trước thông báo hết vé dán tại quầy vé Chín Nghĩa, chị Oanh chia sẻ: “Lên mạng đặt vé tàu thì hết sạch, còn vé máy bay giá cao, lương công nhân như tụi em không đủ khả năng nên đành lựa chọn xe đò về quê. Vậy mà giờ ra đây, nhiều hãng xe đã hết vé về Quảng Ngãi”.
Theo ghi nhận của PV, nhu cầu của hành khách đi về các tỉnh miền Trung dịp tết khá lớn, do vậy tính đến ngày 6/1, nhiều hãng xe thương hiệu tại BXMĐ đã treo biển hết vé đi vào những ngày cao điểm. Cụ thể, hãng xe Chín Nghĩa chạy tuyến Tp. HCM - Quảng Ngãi thông báo hết vé từ 20-28 tết; hãng xe Bình Tâm, Thiên Trang bán vé đi Quảng Ngãi các ngày 25-28 tết cũng không còn; nhà xe Thuận Thảo hết vé từ ngày 20-28 tết đi Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đà Nẵng...
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc BXMĐ - vừa qua, một số doanh nghiệp vận tải thuê quầy tại bến đã tổ chức bán vé tết trước cho hành khách. Còn vé của bến (xe của các doanh nghiệp ủy thác cho bến bán vé) sẽ được bán từ ngày 10/1 (tức 1/12 âm lịch). Mức giá vé xe tết năm nay tại BXMĐ cũng tăng 20-60% so với ngày thường, nhằm bù đắp chi phí cho chiều xe chạy rỗng ngược lại.
Ông Thượng Thanh Hải cũng cho rằng, việc “cháy vé” một số tuyến đi miền Trung của một số hãng xe bán vé trước không ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu hành khách, và việc “cháy vé” này chỉ mang tính tạm thời. Bởi năm nay, BXMĐ chủ động cho các doanh nghiệp ngoài xe đăng ký hoạt động tại bến thì được thuê thêm xe ngoài đủ tiêu chuẩn theo quy định đăng ký đưa vào bến phục vụ tết. Mặt khác, cho dù các hãng xe thương hiệu đã hết vé thì BXMĐ vẫn đảm bảo đủ xe phục vụ hành khách.
Ngoài bến, giá xe tết cao gấp 2-3 ngày thường
Trong khi đó, bên ngoài bến có khá nhiều doanh nghiệp vận tải cũng rầm rộ treo biển, băngrôn quảng cáo xe phục vụ tết. Chỉ một số tuyến đường Hồng Lạc, Đồng Đen, Bàu Cát, Q.Tân Bình đã có gần chục điểm xe tết. Tìm đến nhà xe Đ.N hỏi mua vé giường nằm từ Tp. HCM về Đà Nẵng ngày 3/2/2016 (25 tết), một nhân viên nhà xe báo giá 1.150.000 đồng (bao ăn). Trong khi giá ngày thường cùng lộ trình của hãng xe này chỉ 360.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc vì sao giá vé tăng cao như vậy thì nhân viên này cho hay: “Tăng giá vé để phụ thu chiều xe chạy rỗng, trong bến xe họ cũng tính vậy mà (?)”.
Trong khi đó, chúng tôi thử so sánh với vé tết cùng tuyến Tp. HCM - Đà Nẵng của nhà xe T.T tại BXMĐ cũng giường nằm có giá 552.000 đồng (đã tính phụ thu 60% so với ngày thường) thì giá của Đ.N vẫn cao hơn đến 598.000 đồng.
Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông. |
Tương tự, khảo sát một số nhà xe trên địa bàn Q.Tân Phú và ghi nhận hầu hết hãng xe tại đây đều tăng giá xe tết gấp đôi ngày thường, thậm chí gấp ba lần ngày thường. Một số hãng xe như H.A, L.T, Q.T có phòng vé trên đường Lê Hồng Phong (Q.10, Tp. HCM) tăng giá xe tết từ 80-100%.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Bình - Chánh Thanh tra Sở Tài chính Tp. HCM - cho biết, đối với giá vé xe khách tuyến cố định hoạt động tại bến, Thanh tra Sở Tài chính đã kiểm tra, rà soát và cơ bản các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về giá. Những doanh nghiệp đăng ký, kê khai điều chỉnh tăng cước ngày thường bất hợp lý hoặc áp dụng mức phụ thu dịp tết cao hơn mức cho phép sở cũng kiên quyết không cho điều chỉnh tăng giá cước.
Tuy nhiên, đối với việc tăng giá vé cao ngất ngưởng của các doanh nghiệp vận tải hành khách bên ngoài như Báo Lao Động phản ánh, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Thanh tra Sở Tài chính không thể xử lý được. Bởi lẽ, do các doanh nghiệp này kinh doanh vận tải hành khách dạng hợp đồng, du lịch nên giá tự thỏa thuận với hành khách, chứ không phải đăng ký, kê khai giá vé với các cơ quan chức năng như các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe.
Anh Bình (quê Nghệ An, làm công nhân ở quận Tân Phú) cho biết: Tôi mua 2 vé xe Hoàng Long về Vinh ngày 25 tết với giá 1.535.000 đồng/vé. Giá vé như vậy là quá cao so với ngày thường. Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục giảm nhưng các hãng xe thì vẫn tìm đủ mọi cách tăng giá ngày tết. Anh Trần Văn Khánh (quê Thanh Hóa, công nhân ở quận Thủ Đức) cho biết: Tôi mua 3 vé về Thanh Hóa ngày 28 tết tốn gần 5.000.000 đồng. Rút tiền đi mua vé xe mà xót quá. Tôi đọc báo được biết ở Hà Nội các hãng xe không tăng giá vé dịp tết, trong khi ở Tp. HCM các nhà xe lại được phép phụ thu đến 60% so ngày thường là quá cao, khiến những người lao động nghèo như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.