Ảnh minh họa. |
Thời gian gần đây, nhiều chủ xe bất ngờ khi đưa xe đi kiểm định theo chu kỳ thì bị các trạm đăng kiểm từ chối. Lý do, chiếc xe này được đưa lên hệ thống cảnh báo từ chối xét xe của Cục Đăng kiểm Việt Nam do trước đó người điều khiển chiếc xe đó vi phạm giao thông nhưng chưa đi nộp phạt.
“Ai vi phạm giao thông thì lực lượng chức năng cần xử lý kịp thời, buộc đi nộp phạt chứ không thể lấy lý do đó để từ chối đăng kiểm chiếc xe. Cục Đăng kiểm dựa vào các thông báo của CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) để không cho xét xe, không cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX)… thì có hợp lý không?” - nhiều chủ xe thắc mắc với Pháp Luật TP.HCM.
TTGT khẳng định làm đúng quy định
Mục đích, bản chất của việc TTGT gửi thông báo tới các cơ quan đăng kiểm, nơi đăng ký xe, nơi cấp, đổi GPLX có phải để “chặn” những nơi này thực hiện việc xét xe, cấp phó bản cà vẹt, bằng lái…?
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, mục đích, bản chất của các thông báo trên là bảo đảm cho việc xử lý vi phạm giao thông (buộc người vi phạm phải đi đóng phạt đúng thời hạn) và ngăn chặn các hành vi tiếp theo sau vi phạm giao thông như người vi phạm tiếp tục lái xe, vẫn đưa xe vi phạm vào lưu hành hoặc có hành vi khai gian dối để được xét xe, được cấp phó bản cà vẹt, bằng lái…
Nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản pháp luật khác không có điều khoản trực tiếp giao TTGT quyền thực hiện việc thông báo, đề nghị tới các cơ quan khác không xét xe, cấp phó bản các loại giấy tờ…
Đúng là không có điều khoản trực tiếp. Nhưng tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có trao quyền cho TTGT phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện các biện pháp hành chính để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm giao thông và ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo. Do đó các thông báo, đề nghị “chặn” xét xe, không cấp giấy tờ liên quan đến cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông là đúng thẩm quyền của TTGT.
30 ngày là hạn chót nộp phạt
Vậy quy trình, thời gian ra thông báo ngăn chặn như nói trên được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy định, trong vòng 10 ngày sau khi có quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì cá nhân, tổ chức phải đi đóng phạt. Sau ba lần (tức sau 30 ngày) chúng tôi ra thông báo mà cá nhân, tổ chức không đi đóng phạt thì TTGT sẽ gửi thông báo đề nghị ngăn chặn tới các cơ quan đăng kiểm, nơi cấp cà vẹt, bằng lái…
Cũng có khi TTGT chưa kịp ra thông báo ngăn chặn thì người lái, chủ xe đã đi xét xe, xin cấp lại phó bản và đều qua… lọt. Trường hợp này xử lý như thế nào?
Đúng là có tình trạng này. Nhưng chiếc xe đó cũng không thể “lọt lưới” được. Vì đến chu kỳ kiểm định sau (sau ba hoặc sáu tháng…) trên hệ thống đăng kiểm toàn quốc đã có cảnh báo chiếc xe đó và nó sẽ bị chặn, không được xét ở tất cả trạm. Khi đó người lái, chủ xe phải quay về đóng phạt và còn bị xử phạt thêm hành vi khai báo không đúng sự thật (2-4 triệu đồng đối với cá nhân và 4-8 triệu đồng đối với tổ chức).
Ngoài hình thức bị chặn và buộc phải quay về đóng phạt, người nộp phạt trễ có còn bị thêm chế tài nào khác không?
Theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu nộp phạt trễ thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
. Xin cám ơn ông.
90% xe bị chặn do chưa nộp phạt Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định hành vi không được thực hiện kiểm định xe cơ giới là khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Chương trình “Quản lý kiểm định” luôn được cập nhật, nâng cấp, truyền dẫn, sử dụng tại tất cả đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc. Việc này nhằm hỗ trợ các đơn vị đăng kiểm kiểm soát các phương tiện có vi phạm về hồ sơ, về tình trạng kỹ thuật; tránh kiểm định các phương tiện hết niên hạn sử dụng, phương tiện vi phạm pháp luật... Từ đầu năm 2017 tới nay có hơn 90% cảnh báo trên chương trình rơi vào các tài xế, chủ xe vi phạm pháp luật giao thông nhưng chưa đi nộp phạt. Cạnh đó, từ khai thác chương trình đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp tài xế, chủ xe gây tai nạn hay “dính” tới các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến xe… “Người lái, chủ xe vi phạm giao thông sau khi nộp phạt đầy đủ sẽ được cơ quan đăng kiểm gỡ bỏ cảnh báo, kiểm định xe và cấp giấy chứng nhận tham gia giao thông” - ông Trí cho biết. Sẽ có phần mềm kiểm soát cấp bằng lái Hiện Bộ GTVT và Bộ Công an đang xây dựng phần mềm quản lý và chia sẻ thông tin về việc cấp, đổi bằng lái xe. Theo đó, bằng lái của người vi phạm luật giao thông sẽ được đưa lên mạng cảnh báo để buộc người vi phạm đi đóng phạt và ngăn chặn việc khai cớ mất bằng để được cấp lại phó bản. Chỉ cần nhấp chuột là CSGT, TTGT, cơ quan cấp, đổi bằng lái biết được “tình trạng pháp lý” của bằng lái. Việc này giúp rút ngắn thời gian xác minh bằng lái, thay vì phải hai tháng như hiện nay. Ông VÕ TRỌNG NHÂN,Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM
|
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.