Nếu Grab mua lại Uber tại ĐNA, thị trường xe đi chung sẽ ra sao?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/01/2018 17:06

Nếu việc đàm phán mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á của Grab thành công, thị trường sẽ có những thay đổi.

 

97b6c67c-d8ec-4570-a528-dd9ead3922a8_749_499_pxzb

Ảnh minh họa.

Theo trang công nghệ KR Asia, cách đây vài ngày, Grab đã bắt đầu quá trình đàm phán với Uber, mua lại hoạt động của dịch vụ đi chung xe này tại khu vực Đông Nam Á.

Đối với Uber, việc đàm phán bán lại hoạt động trong khu vực cho đối thủ được cho là kết quả của việc Softbank mua lại một phần Uber vào cuối năm 2017. Hãng công nghệ Nhật Bản muốn Uber thật sự tập trung cho thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó với Grab, nếu mua được mảng dịch vụ của Uber hãng sẽ trở thành dịch vụ gọi xe lớn nhất khu vực và có nhiều cơ hội để mở rộng hơn tại Đông Nam Á, nơi được đánh giá là thị trường Internet lớn thứ 4 thế giới. 

Uber bắt đầu ở thị trường Đông Nam Á từ năm 2013 tại Singapore, sau đó mở rộng ra các nước khác. Ban đầu họ tỏ rõ ưu thế của mình bằng dịch vụ độc đáo, chất lượng xe và tài xế đảm bảo. Nhưng dần dần Grab lại vượt lên do nhiều người dân ở các nước trong khu vực không có thẻ tín dụng để đăng ký Uber, ngoài ra họ còn cố gắng địa phương hoá dịch vụ của mình để phù hợp với khách hàng ở từng thành phố. Do đó lợi thế là thương hiệu toàn cầu của Uber ngày một mờ nhạt.

Năm 2016, Uber đã phải bán hoạt động của mình tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing và tập trung nguồn lực cho khu vực Đông Nam Á. Nhưng mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Ở từng nước trong khu vực, Uber ngoài phải lo đối phó với Grab, họ còn gặp nhiều vấn đề với các startup ở địa phương. 

Tới 2017, Grab tuyên bố đã cung cấp được 1 tỷ chuyến xe. Uber không công bố số chuyến xe đã hoàn tất của mình nhưng số lượt sử dụng của ứng dụng này đã vượt mốc 5 tỷ lần. 

Cũng theo KR Asia, giám đốc tài chính mới của Uber đã từng đưa ra ý kiến về chi phí của thị trường Đông Nam Á. Ông cho rằng khu vực này đã có số vốn đầu tư vượt mức dự kiến ban đầu nhưng chưa có tín hiệu lạc quan nào về việc khi nào sẽ có lợi nhuận. 

Vậy nếu 2 thương hiệu này hợp nhất làm 1, điều gì sẽ xảy ra?

Tác động lớn nhất có thể đến với khách hàng và lái xe khi thị trường chỉ có một nhà cung cấp lớn nhất. Uber và Grab vốn cạnh tranh nhau bằng chính sách hỗ trợ tài xế và mã khuyến mại cho khách hàng. Khi không còn 2 dịch vụ, khách hàng có thể sẽ nhận được ít mã khuyến mại hơn. 

Chính sách với lái xe cũng có thể sẽ có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn nhằm tối ưu chất lượng dịch vụ.

Tại Việt Nam, những ngày đầu tháng 1 vừa qua, hàng loạt lái xe Grab và Uber đã có hành động tụ tập và ngừng làm việc nhằm gây sức ép với dịch vụ, điều chính mức phí cho mỗi chuyến xe. 

Grab sau sự việc đã âm thầm điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với lái xe xuống mức thấp hơn còn Uber vẫn khá cứng rắn khi chỉ chấp nhận đối thoại với lái xe nếu tập thể tài xế đáp ứng một số điều kiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận