Nếu taxi truyền thống không thay đổi thì họ sẽ "chết" trong Cách mạng 4.0

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 12/12/2017 15:05

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm nhiều ngành nghề mất đi nhưng cũng sinh ra nhiều nghề mới

photo-0-1513000062275
 

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng FPT cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm nhiều ngành nghề mất đi nhưng cũng sinh ra nhiều nghề mới. Nếu taxi truyền thống không thay đổi thì họ sẽ chết. Vì vậy, họ phải tự xây dựng những phần mềm thông minh để ứng dụng vào hệ thống.

Thông tin trên trang của FPT, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng FPT cho hay, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động sâu rộng đến toàn bộ hệ thống sản xuất, hệ thống quản lý và quản trị. Lâu nay chúng ta luôn đuổi theo thế giới nhưng càng chạy càng xa. Trong khi chúng ta hay nói "đi tắt đón đầu" nhưng đây mới thực sự là khúc cua lớn, là cơ hội để chúng ta thực hiện, bắt kịp thế giới và doanh nghiệp phải nhìn thấy được cơ hội này.

Ông Bảo phân tích, cuộc cách mạng công nghiệp sẽ làm nhiều ngành nghề mất đi nhưng đồng thời cũng sinh ra nhiều nghề mới. Các doanh nghiệp điện tử có thể viết ra những phần mềm thông minh để bán ra nước ngoài hoặc áp dụng cho chính các doanh nghiệp trong nước.

Những loại hình như Uber, Grab, kinh doanh online là những thứ được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 và nó đang tạo ra sự cạnh tranh với các loại hình vận tải hành khách. Nếu taxi truyền thống không thay đổi thì họ sẽ chết. Vì vậy, họ phải tự xây dựng cho mình những phần mềm thông minh để ứng dụng vào hệ thống.

“Nhà nước có thể bảo vệ doanh nghiệp trong nước bằng cách làm chậm đi sự ảnh hưởng nhưng để cản trở hoàn toàn thì không bao giờ được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên nhìn thấy rằng còn rất nhiều lĩnh vực khác như xe tải, ở nước ta chưa xuất hiện loại hình mới thì các doanh nghiệp nên nghĩ đến và làm ngay”, ông Bảo nói.

Vẫn theo phân tích của ông Đỗ Cao Bảo, phần mềm kết nối gia sư, kết nối phụ huynh, kết nối người mua với người bán, người cần thuê với người làm thuê... Tất cả cuộc sống xung quanh chúng ta đều có thể được kết nối qua hệ thống tự động thông minh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tận dụng khúc cua này để phát triển.

Trong một bài viết mới đây của mình, ông Đỗ Cao Bảo đã đưa ra quan điểm ủng hộ mô hình kinh doanh của Uber và Grab.

Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, vấn đề về giá cả không phải là yếu tố quyết định việc có nên loại bỏ Uber hay Grab: "Ưu điểm tuyệt đối của Uber, Grab là hạn chế số lượng xe không chạy trên đường, giảm lượng sử dụng nhiên liệu, giảm lượng khí thải, ô nhiễm, tránh tắc đường. Theo một nghiên cứu gần đây, số lượng xe chạy không có khách trên đường của taxi truyền thống là 50% còn con số đó của Uber và Grab tổng lại chỉ là 20%".

"Lợi ích xã hội là rõ ràng, taxi truyền thống muốn cạnh tranh thì phải thay đổi, thay vì loại bỏ, hãy kết nối 2 bên với nhau để cùng nâng cao tính cạnh tranh mang tới những chất lượng phục vụ tốt nhất", ông Bảo nói.

Đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với ngành taxi, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng, vấn đề mấu chốt là ở chỗ, trong khi CNTT hiện nay là hạ tầng của hạ tầng, một yếu tố không thể thiếu với các ngành khác, các doanh nghiệp truyền thống trong hàng trăm năm nay quá bảo thủ, chậm trễ trong việc thay đổi chính bản thân mình để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ví dụ điển hình, theo ông Bình, chính là ngành taxi, ngành dịch vụ trải qua hàng trăm năm nhưng không chịu thay đổi và đã trở thành nạn nhân lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều ngành truyền thống khác cũng đang đi vào “vết xe đổ” của ngành taxi, họ không có động cơ, động lực để làm cho dịch vụ của mình tốt hơn.

“Tôi nghĩ rằng, đó chính là nội hàm của “áp bức” để tạo mồi lửa cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng lần này là chúng ta phải sử dụng CNTT để tăng được năng suất lao động, từ đó tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thậm chí, những doanh nghiệp truyền thống nếu không thích ứng được thì đó chính là đối tượng cần phải lật đổ trong cuộc cách mạng này. Trong bài toán kinh tế, “áp bức” chính là sự trì trệ, bảo thủ, không chịu thay đổi của các doanh nghiệp truyền thống”, ông Bình nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận