Vừa qua, Qũy Đầu tư Quốc gia Qatar hợp tác với tập đoàn dầu khí Glencore đã mua lại 19,5% cổ phần của "gã khổng lồ" dầu khí quốc gia Nga Rosneft với giá 10,5 tỷ euro ( tương đương 11,3 tỷ USD).
Đây là công ty dầu khí có cổ phần thuộc sở hữu của Chính phủ Nga, trụ sở tại quận Balchug, Moskva. Rosneft trở thành công ty khai thác và lọc dầu lớn nhất quốc gia sau khi thâu tóm khối tài sản khổng lồ của công ty dầu khí Yukos tại một cuộc đấu giá của nhà nước.
Tuy nhiên, công ty vừa bất ngờ lên tiếng bán 19,5% cổ phần của mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa được thực hiện nhanh chóng.
Trong biên bản tóm tắt tại một cuộc họp với CEO của Rosneft, ông Igor Sechin được đăng tải trên trang web chính thức của Điện Kremlin, ông Putin đặt câu hỏi khi nào tiền được "bơm" về ngân sách của Nga. Đáp lại câu hỏi của Tổng thống, ông Sechin cho biết đợt chuyền tiền đầu tiên sẽ được thực hiện trong vòng vài ngày tới.
Rosneft là một trong số những công ty nhà nước lớn như hãng hàng không quốc gia Aeroflot, Công ty điện lực RusHydro buộc phải bán cổ phần của mình do nền kinh tế đình trệ gây ra bởi khủng hoảng giá dầu và lệnh trừng phạt của các nước phương Tây áp đặt đối với quốc gia này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 3,7% trong năm 2015 khiến Nga bị xếp là một trong mười quốc gia có nền kinh tế tồi tệ nhất trong năm. Qũy tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo con số này sẽ vẫn tiếp tục giảm thêm 1% tính đến hết năm 2016.
Theo số liệu thống kê chính thức cho thấy có tới 14% dân số Nga ( tương đương với 20 triệu người) đang phải sống trong cảnh nghèo khổ so với 16 triệu người vào năm 2014.
Nguồn quỹ dự trữ được chính phủ lập nên nhằm đối phó với các trường hợp giá dầu giảm đã cạn hơn 50% xuống còn 31,7 tỷ USD sau hai năm khủng hoảng và dự đoán sẽ còn tiếp tục hạ trong thời gian tới.
Lúc này nguồn ngân sách của Nga chủ yếu trông chờ vào lượng tiêu thụ dầu trên thế giới đủ lớn để cho phép quốc gia này có thể bán với mức 50 USD/thùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán, giá dầu sẽ giảm xuống còn 40 USD/ thùng. Tính đến nay, xuất khẩu dầu thô chiếm chỉ còn 37% nguồn thu chính phủ so với mức 50% hai năm về trước.
Trong thương vụ lần này, Tập đoàn Glencore sẽ chi 325 triệu USD, số còn lại là của Qũy Đầu tư Quốc gia Qatar- một trong những thành viên của OPEC đồng thời là cổ đông lớn nhất của Glencore.
Hiện tại, Tập đoàn dầu khí Anh BP cũng đã sở hữu 20% cổ phần của Rosneft, tương đương với 40% sản phẩm dầu thô khai thác của Nga. Tuy vậy, Chính phủ Nga vẫn giữ quyền kiểm soát của Rosneft nhờ 51% số cổ phần của mình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.