Nga và Châu Âu cùng hợp tác khám phá sao Hoả

Ứng dụng 16/03/2016 06:57

Trang Slash Gear cho biết Nga và Châu Âu vừa bắt tay nhau cho mục tiêu nghiên cứu sao Hỏa trong thời gian tới.

1506618
 

Ngày hôm nay, một tàu vũ trụ không người lái đã được phóng đến sao Hoả. Đây là kết quả hợp tác của các cơ quan không gian Nga và Châu Âu trong một sứ mệnh được gọi là ExoMars 2016. Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) cho biết, tàu vũ trụ này hướng đến "việc nghiên cứu khí quyển, những cơn bão bụi trên hành tinh Đỏ". Để hoàn thành được sứ mệnh này, con tàu sử dụng sức đẩy của một tên lửa Proton do Nga sản xuất.

Tàu vũ trụ bao gồm một tàu thăm dò và một tàu đổ bộ với các dụng cụ để lấy các số đo về nồng độ khí methane và các loại khí khác, đồng thời phục vụ cho việc nghiên cứu các cơn bão bụi trên hành tinh này trong thời gian tới. Tên lửa mang con tàu vũ trụ này được phóng đi từ Kazakhstan vào lúc 03:31 hôm nay (giờ địa phương). ESA đã truyền hình trực tiếp sự kiện này trên kênh truyền hình riêng của họ.

Để đến được sao Hoả vào tháng Mười năm nay, con tàu dự kiến sẽ di chuyển trong vũ trụ với tốc độ 21.000 km/h. Nó sẽ giảm tốc độ trước khi hạ xuống bề mặt của sao Hoả. Các nhà khoa học hy vọng con tàu sẽ hạ cánh thành công. Trước đó, một nỗ lực tương tự của ESA đã thất bại vào 2003.

Pin của xe tự hành trên tàu vũ trụ này chỉ hoạt động được khoảng 2 - 4 ngày. Do đó việc nghiên cứu bão bụi phải được tiến hành một cách nhanh chóng. Trong khi đó, tàu thăm dò có thể hoạt động đến 2022 và lượn vòng quanh hành tinh ở độ cao 400 km để nghiên cứu các loại khí bao gồm khí methane, hơi nước và nitrogen nhằm tìm ra lời giải cuối cùng cho câu hỏi liệu có khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh Đỏ hay không?

Ban đầu, NASA được xem là đối tác cùng với ESA thực hiện sứ mệnh ExoMars nhưng các quy định chặt chẽ về tài chính của chính phủ Mỹ buộc họ phải rút lui khỏi dự án. Với sự tham gia của Nga, dự án này dự kiến sẽ tiếp tục giới thiệu một chiếc xe thăm dò trong khoảng thời gian từ 2018 - 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận