Ngăn chặn buôn "hàng nóng" qua đường hàng không

Bạn đọc 05/11/2015 14:34

Hiện tượng buôn lậu qua đường hàng không đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Nhiều mặt hàng “nóng”, được các đầu nậu lợi dụng hình thức vận chuyển này để trung chuyển hàng cấm. Vấn đề này đang làm đau đầu các cơ quan quản lý. Các biện pháp đã được đưa ra, cơ quan điều tra tích cực vào cuộc ngăn chặn tình trạng này, vì lợi ích quốc gia và an toàn của chính khách hàng đi tàu bay.

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng nhập lậu
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng nhập lậu qua đường hàng không.

Từ các mặt hàng “nóng”

Ngày 19.10.2015, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có quyết định tịch thu gần 150.000 viên đạn mã tử (Catridge blank plastic - loại đạn nổ) để trong 60 thùng cotton nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị Chi cục Hải quan phát hiện và tịch thu theo quy định. Số hàng này do Hãng Hàng không Turkish Airlines vận chuyển theo hành trình Istanbul - Bangkok - Tân Sơn Nhất. Sau khi lập biên bản vi phạm và phối hợp với cơ quan An ninh điều tra - Công an TPHCM, số đạn trên được giao cho Bộ Tư lệnh thành phố theo quy định. Khi vụ việc bị phát hiện hãng hàng không trên đã có công văn gửi cơ quan hải quan xin tái xuất lô hàng trên với lý do “gửi nhầm”. Trước diễn biến của sự việc, UBND TPHCM đã ban hành quyết định tịch thu sung công quỹ toàn bộ hàng vi phạm và phạt Hãng Hàng không Turkish Airlines 30 triệu đồng.

Đây không phải là lần nhầm duy nhất, cuối tháng 7.2015, cơ quan chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện gần 94 khẩu súng quân dụng hiện đại và 472 hộp tiếp đạn được chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Lô hàng này còn nguyên tem mác, xuất xứ và có thể lại được nguỵ trang “đi nhầm” qua Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa nhận được hồi âm của cơ quan các nước gửi nhầm.

Là mặt hàng nằm trong diện cấm nhập khẩu nhưng thời gian gần đây các loại súng và công cụ hỗ trợ khác được nhập lậu vào Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh quốc gia, an toàn xã hội và an toàn giao thông hàng không mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vì tính chất nguy hiểm của mặt hàng nếu bị phát hiện đối tượng vi phạm có thể manh động. Theo đại diện của Cảng vụ Miền Bắc: Trách nhiệm chính trong công tác quản lý hàng hóa thuộc về lực lượng hải quan phụ trách sân bay. Tất cả các hoạt động về hàng không đều có quy định rõ ràng, ngành hàng không luôn chủ động, phối hợp với lực lượng hải quan kiểm soát hàng hóa thông quan. “Vấn nạn buôn lậu qua đường hàng không, bất kể là do nhân viên trong ngành hay người ngoài đều đáng lên án và cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, thực hiện đúng an toàn giao thông mà ngành hàng không đã đặt ra” - vị đại diện này chia sẻ.

Đến các mặt hàng có giá trị kinh tế

Người dân còn nhớ sự việc buôn lậu gần 7kg vàng qua đường hàng không, hay vụ vận chuyển sản phẩm ngà voi, sừng tê giác bị phát hiện tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay từ Pháp về Hà Nội. Nguy hiểm hơn, tình trạng buôn lậu đang có xu hướng tập trung vào nhóm hàng có giá trị cao như máy tính, điện thoại, vàng, ma túy…

Tham gia vào đường dây buôn lậu qua đường hàng không có rất nhiều đối tượng, từ hành khách đến tiếp viên hàng không… Vì vậy, việc phát hiện và đấu tranh với hình thức buôn lậu này không đơn giản.

Một lượng lớn hàng hóa nhập lậu gồm 300 bao thuốc lá hiệu Paliament và 189 chai rượu Beluga xuất xứ từ Nga được vận chuyển qua đường hàng không đã bị Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện và tạm giữ. Lô hàng trên được cất giấu trên xe ôtô mang BKS 29B-006.79 đang dừng đỗ tại trạm soát vé nhà ga T2, sân bay quốc tế Nội Bài. Lái xe và chủ hàng (người Việt kiều) đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng. Khi hàng chuyển tiếp qua Nga đã được chia nhỏ trước khi đưa về Việt Nam để dễ qua mắt cơ quan kiểm tra.

Không chỉ có mặt hàng vàng, rượu, thuốc lá mà còn rất nhiều mặt hàng cấm khác như sừng tê giác, ngà voi, ma túy, cũng được các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức vận chuyển bằng đường hàng không thay vì vận chuyển bằng đường bộ. Vi phạm của cá nhân không chỉ ảnh hưởng chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến hãng, ngành và hình ảnh hàng không quốc gia. Các cơ quan chức năng quan ngại về vấn đề an toàn giao thông hàng không, tính mạng của hành khách và an ninh trật tự xã hội sẽ bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp ngăn chặn tích cực các hình thức buôn lậu này.

Ý kiến của bạn

Bình luận