Ngăn ngừa hiện tượng quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng

Bạn đọc 09/12/2014 11:05

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng vừa ký Văn bản số 372/CV-UBATGTQG gửi UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh về hiện tượng quấy rối tình dục trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.


bushanoi1

ảnh minh họa

Theo đó, để khắc phục tình trạng trên và nâng cao tính an toàn, thân thiện của dịch vụ vận tải hành khách công cộng đối với phụ nữ nói riêng và đông đảo nhân dân, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể của Thành phố khẩn trương điều tra, khảo sát để xác định rõ các địa điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục đối với phụ nữ.

Các cơ quan chức năng, đoàn thể triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và các em gái; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng khi bị quấy rối tình dục và các hành vi xâm hại khác.

Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái.

Trước đó, ngày 30/11/2014, Báo điện tử Dân trí đăng bài “Xe buýt là nơi dễ bị quấy rối tình dục” thông tin về kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì có 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Mặc dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ (2.046 người), nhưng phần nào phản ảnh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khoẻ của phụ nữ khi sử  dụng dịch vụ công cộng.

Theo mt.gov.vn

Ý kiến của bạn

Bình luận