Chủ tịch CĐ KCN - KCX TPHCM đối thoại với CN trong một cuộc ngừng việc kéo dài tại KCX Tân Thuận. |
Đó là một tình huống trong một cuộc ngừng việc kéo dài nhiều ngày ở Cty BH (quận 9, TPHCM), căn nguyên của sự việc, theo cơ quan chức năng quận 9, ban giám đốc đã không chủ động ngăn chặn tranh chấp lao động từ gốc, để những bức xúc trong CN bị dồn nén, dẫn đến ngừng việc nhiều ngày.
Tiếc chi lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe!
“Có ai như ông giám đốc Cty này không? Cty không chịu đóng tiền điện, nước nên bị cắt điện, cắt nước. CN cả ngày không đi vệ sinh được nên có ý kiến thì giám đốc quát tháo bảo “đi làm chớ có phải đi khách sạn đâu mà đòi điện nước đầy đủ, muốn điện nước đầy đủ thì đi về”. Nghe xong mà chúng tôi tức anh ách, phải im lặng” – Chị Cẩn Gia, làm việc hơn 1 năm tại Cty BH, trình bày.
Chị Gia vừa dứt lời, chị Vũ Thị Mai bức xúc cho biết thêm, ban giám đốc Cty có nhiều quy định rất khắt khe khiến CN ấm ức, muốn kiến nghị ban giám đốc sửa đổi nhưng không biết nói thế nào vì chưa kịp nói đã bị ban giám đốc quát mắng. Chị Mai ví dụ, quy định giờ làm việc của Cty là 7h30 nhưng mới 7h20 là Cty tính dấu vân tay, ai đi trễ một phút là bị phạt ngay. Theo giải thích của chuyền trưởng thì Cty làm như vậy để CN vào sớm ổn định đội hình! Còn giờ nghỉ trưa hoặc tan ca, chỉ cần CN tắt điện, quạt sớm 1 phút thì ngay lập tức tất cả CN trong chuyền bị trừ 10% lương. Không chỉ căn ke giờ giấc làm việc, ban giám đốc còn có những quy định về tiền chuyên cần, nghỉ phép năm, theo đó, bất kỳ ai nghỉ một ngày dù có phép hay không phép đều bị trừ 200.000 đồng tiền chuyên cần!
“Điều bức xúc nhất là ban giám đốc và một số quản lý luôn có thái độ thiếu tôn trọng CN. Bất kỳ những vấn đề gì CN cảm thấy bất hợp lý, muốn trình bày với lãnh đạo Cty thì đều bị gạt đi. Chưa nói được lời nào đã bị ăn chửi” – CN Nguyễn Thị Tuyền trình bày.
Vì không được ban giám đốc lắng nghe nên đầu tháng 10 vừa qua, khi Cty chậm lương, ban giám đốc triệu tập CN đột xuất, đề nghị được chậm lương tháng 9. Đề nghị đã bị CN phản đối. “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ lý do nào của giám đốc, khi chúng tôi khốn khổ cần giám đốc lắng nghe, ông ấy luôn lơ đi, vậy thì tại sao chúng tôi phải lắng nghe ông ấy” – Một CN bức xúc lên tiếng. Sau đó, CN không chấp nhận phương án chậm lương nên ngừng việc nhiều ngày liền!
Đừng để một giọt nước làm tràn cả ly!
“Ở chuyền 6, cái Nga xin phép đi vệ sinh nhưng “nữ hoàng vệ sinh” (Người quản lý thẻ đi vệ sinh, ghi sổ giờ giấc đi vệ sinh của CN – PV) không cho đi. Nó khóc lóc quá trời. Cả chuyền đó phản ứng” – Mẫu thông tin được truyền đi khắp các chuyền còn lại, một chuyền, hai chuyền rồi tất cả các chuyền đồng loạt ngừng việc, phản đối quy định “CN đi vệ sinh phải có thẻ của Cty”. Vụ việc kéo dài nhiều ngày liền khiến cho cơ quan chức năng quận 12 và TPHCM thời điểm diễn ra vụ ngừng việc đau đầu!
Không chỉ phản ứng chuyện đi vệ sinh, tại cuộc ngừng việc này, các CN còn nêu lên rất nhiều vấn đề bức xúc khác như công trình nhà vệ sinh quá tồi tàn, xuống cấp, luôn trong trạng thái bốc mùi hôi; chất lượng bữa ăn kém, tiền lương, tăng ca nhiều khuất tất, thái độ xem thường, hách dịch của quản lý đối với CN…
“Việc “nữ hoàng vệ sinh” ngăn không cho cái Nga đi vệ sinh là giọt nước tràn ly khiến anh chị em CN chúng tôi bức xúc mà ngừng việc tập thể. Khi Cty có quy định đi vệ sinh phải mang thẻ, ghi giờ, tính từng phút, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ban giám đốc xem xét lại nhưng không được lắng nghe. Chưa kể, trong quá trình làm việc, chúng tôi gặp những thắc mắc về tiền lương, tiền công, chất lượng bữa ăn không đảm bảo... chúng tôi muốn lãnh đạo Cty xem xét giải quyết nhưng không được đoái hoài. Vì thế, khi nghe sự việc của cái Nga, tất cả chúng tôi đã không kiềm được bức xúc, ngừng việc nhiều ngày, yêu cầu ban giám đốc giải quyết sự việc” – Chị Nhung, làm việc tại Cty, nói.
“Nhiều lãnh đạo Cty cho rằng, trình độ CN hạn chế nên chỉ cần áp quy định để CN thực hiện, không chịu đối thoại lắng nghe ý kiến CN, hoặc bỏ qua cả ý kiến của công đoàn cơ sở. Đó là một suy nghĩ sai lầm, vì “tức nước vỡ bờ”, chỉ cần một bức xúc nhỏ thôi thì tất cả CN sẽ đồng loạt phản ứng, khi đó thiệt hại sẽ còn tăng lên nhiều” – Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, nguyên chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn (TPHCM), chia sẻ.
Đối thoại định kỳ, bức xúc được giải tỏa
“Có một thực tế, nhiều chủ DN không dám tổ chức đối thoại với CN vì họ sợ CN đưa ra những đòi hỏi sẽ khiến họ không giải quyết được. Hoặc các chủ DN luôn lo sợ CN sẽ đòi hỏi mà không nghĩ về những chiều hướng tích cực là CN sẽ đóng góp ý kiến cùng ban giám đốc đưa Cty ngày càng phát triển. Chính những lo sợ đó đã khiến cho các chủ DN không tổ chức đối thoại định kỳ hoặc né tránh hội nghị người lao động” - Bà Lê Thị Hồng Lan, Chủ tịch công đoàn cơ sở Cty TNHH O’Leer Việt Nam (Bình Dương) chia sẻ khi nói về việc các chủ DN né tránh đối thoại với CN.
Bên cạnh những DN né tránh đối thoại, nhiều chủ DN lại cho rằng, chính đối thoại sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, chủ DN và NLĐ sẽ tìm được tiếng nói chung. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Minh Long I (Bình Dương) chia sẻ, với hơn 2.600 CNLĐ, để giữ được mối quan hệ lao động hài hòa, anh chị em CN trên dưới đồng lòng thì việc đối thoại là rất cần thiết.
“Ở Minh Long I, hàng tháng, sau giờ cơm trưa, ban giám đốc và tất cả lãnh đạo các phòng ban tập trung về nhà ăn, nói chuyện với CN. Anh chị em CN có thể nói bất kỳ những điều gì mà anh chị em thấy không hài lòng từ thái độ của anh quản lý hay cách tính lương, cơm dở, hay cảm thấy bị chèn ép… Tôi cam kết với anh chị em CN, không trù dập bất kỳ ai và nghiêm cấm cấp dưới của mình trù dập anh chị em CN có ý kiến. Vì duy trì được việc đối thoại đình kỳ này nên mối quan hệ lao động ở Cty luôn hài hòa” – Ông Minh nói.
“Đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động là những hoạt động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc được quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP. Thực tế, một số DN viện nhiều lý do để né tránh đối thoại với NLĐ và qua thời gian sẽ chứng minh né tránh đối thoại với NLĐ là sai lầm, đẩy những bức xúc lên cao trào, dẫn đến đình công, tranh chấp lao động kéo dài. DN đối thoại với NLĐ thẳng thắn là cách để ngăn tranh chấp lao động từ gốc” – Ông Trần Văn Triều – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐ TPHCM) nhận định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.