Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm hơn khu vực 30 năm

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Đánh giá 05/11/2020 09:16

Đó là nhận định của đại diện Bộ Công thương tại buổi tọa đàm về "Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội.


 

unnamed (1)
Các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn các nước trong khu vực khoảng 30 năm nên gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, đe dọa nền sản xuất trong nước, đại diện Bộ Công thương phát biểu tại Buổi toạ đàm "Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam".

Mặc dù vậy, Việt Nam đã có những chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô mà từ đó tạo tiền đề để ngành này đạt được những bước tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây. Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Một số công ty đã sản xuất được chi tiết, linh kiện ô tô và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines...

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe dưới 9 chỗ thấp.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, thị trường ô tô đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Dự báo tới năm 2025, thị trường sẽ tiệm cận con số 1 triệu xe bán ra/năm và đây  là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô Việt Nam.

Song, nếu không tận dụng tốt cơ hội này, CNHT ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Do vậy, để hỗ trợ cho ngành CNHT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về ưu đãi đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô giai đoạn 2020 - 2024; hay mới đây là Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, ông Tưởng nói.

Nhiều ý kiến tại Toạ đàm cũng đánh giá Nghị định 57 mang lại nhiều lợi ích sau khi đã bổ sung nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và minh bạch khi thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận