ảnh minh họa |
Uber đã gặt hái thành công tại rất nhiều quốc gia và gần như đã trở thành biểu tượng cho các ứng dụng gọi xe trên thế giới. Nhưng như thế cũng chẳng thay đổi được sự thật là ông lớn này vẫn đang trầy trật tại thị trường Nhật Bản. Ở đất nước này, các hãng taxi truyền thống đang dẫn điểm trong cuộc đấu. Tất nhiên, mọi chuyện đều có lý do của nó.
Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ đâu?
Trước tiên là sự hậu thuẫn của chính phủ. Nhật Bản là thị trường phát triển duy nhất "cấm" các dịch vụ lái xe chia sẻ. Theo luật, xe hơi tư nhân phải sử dụng biển số xe màu trắng, và không được vận chuyển hành khách trả tiền.
Thuật ngữ shiro taku (taxi trắng) và shiro basu (bus trắng) ám chỉ các loại xe bất hợp pháp, không có giấy phép. Lệnh cấm này không áp dụng cho các khu vực không có phương tiện giao thông công cộng. Uber chỉ được phép hoạt động ở những khu vực hẻo lánh như Kyotango.
"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp, không chấp nhận việc dỡ bỏ lệnh cấm hoặc hợp pháp hoá shiro taku", ông Masataka Tomita, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Nhật Bản cho biết.
Bên cạnh đó, bản thân các hãng taxi nội địa cũng rất có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, gìn giữ một nền "văn hóa taxi" lâu đời nhưng cũng rất văn minh, đậm chất Nhật Bản, để không bị áp đảo bởi các dịch vụ lái xe chia sẻ.
Tokyo là thành phố có dịch vụ taxi số một thế giới. Các tài xế ở đây chủ yếu hoạt động theo các công ty chủ quản và phải có bằng lái đặc biệt cấp bởi Trung tâm Taxi Tokyo (thuộc bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản).
Tài xế luôn cúi chào khách lịch sự. Họ có khay đựng tiền chứ không bao giờ cầm tiền trực tiếp từ khách. Họ luôn mặc áo sơ mi, đeo găng tay và chủ động giúp khách chuyển hành lý. Taxi ở Tokyo chủ yếu là những chiếc Toyota Prius, Toyota Crown, Toyota Comfort, Toyota Crown Sedan, Nissan, rất đẹp và sang trọng.
Khi đi taxi ở Nhật, khách sẽ được hỏi đi từ đâu đến đâu, tài xế lập tức sẽ nhẩm xem khách sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền. Các tài xế taxi thậm chí còn khuyên khách đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm nếu như khách đi đường dài. Đôi khi các tài xế đưa khách đến ga tàu và hướng dẫn khách vào quầy thông tin mua vé tàu điện.
Hơn nữa, tại Nhật Bản không bao giờ có tình trạng nhồi nhét khách. Tài xế Nhật rất tuân thủ luật pháp khi chở khách bằng taxi, không bao giờ chở quá số người quy định, mỗi xe taxi chỉ 4 người. Nếu chỉ thừa một người, khách cũng sẽ phải chuyển sang xe khác.
Hiện nay, Nihon Kotsu đang có kế hoạch phát triển ứng dụng của hãng trên điện thoại, phát triển dịch vụ mới. Kawanabe, chủ tịch công ty này còn đưa ra ý tưởng: taxi vé tháng. "Bạn có thể đi bất cứ đâu bạn muốn, với chi phí cố định hàng tháng", ông nói.
Thành lập Liên minh taxi
Sự đe dọa của các ứng dụng chia sẻ đã thúc đẩy đẩy hai công ty taxi hàng đầu của Tokyo, Tokyo Musen và Nihon Kotsu liên minh với nhau. Nihon Kotsu và Tokyo Musen vốn là kình địch, Nihon Kotsu nổi tiếng với những chiếc taxi màu vàng, trong khi đó xe Tokyo Musen màu xanh. Nhưng thị trường ngày càng khốc liệt đã khiến họ liên minh với nhau.
Từ ngày 25/7 năm nay, người Nhật có thể gọi xe của Tokyo Musen trên JapanTaxi - ứng dụng taxi lớn nhất nước này, được điều hành bởi đối thủ Nihon Kotsu. Sự sát nhập 3.800 xe của Tokyo Musen và 4.500 xe của Nihon Kotsu đã giúp ứng dụng JapanTaxi cung cấp hơn 60.000 xe taxi khả dụng, được tải xuống hơn 5 triệu lần.
Đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của khối liên minh này, tất nhiên không phải Uber, mà là một nhóm các công ty taxi trong nước khác, bao gồm tập đoàn Sony và 6 hãng taxi lớn có trụ sở tại Tokyo.
Nhóm taxi này công bố vào ngày 20/2 rằng họ đang hợp tác phát triển một dịch vụ lái xe chia sẻ. Dịch vụ này sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Sony để giảm thời gian khách đợi xe cũng như thời gian lái xe tìm khách hàng, dựa trên các yếu tố như thời tiết. Sony sẽ cho ra mắt một ứng dụng trên smartphone, tiếp tục cung cấp các ứng dụng cho các công ty taxi khác trong tương lai.
"Sự cạnh tranh đòi hỏi phải hình thành một liên minh taxi Nhật", một quan chức ngành công nghiệp taxi Nhật Bản cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.