Các hòn đảo nhiệt đới tuyệt đẹp của Đông Nam Á, các ngôi đền cổ kính và các món ăn ngon là điểm mạnh của khu vực này. |
Từ trên đỉnh của Marina Bay Sands – một khách sạn, trung tâm thương mại và casino khổng lồ ở Singapore, du khách có thể nhìn thấy các tòa nhà chọc trời, tàu thuyền nối đuôi nhau ra vào cảng, các đảo nhiệt đới rải rác ở eo biển Singapore. Theo tờ China Daily, khách sạn này xếp thứ 8 trong danh sách các địa điểm lãng mạn nhất trên thế giới.
Marina Bay Sands xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc và cung cấp các gói giảm giá đặc biệt và chuyến nghỉ trọn gói cho du khách tới từ quốc gia này. Hệ quả tất yếu là vào năm ngoái, lần đầu tiên, Trung Quốc trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất đến với đảo quốc Singapore, chiếm 3,2 trong tổng số 17,4 triệu du khách. Từ tháng 1 đến tháng 9/2017, một mình du khách Trung Quốc đã chi hơn 2,3 tỷ USD cho quốc gia Đông Nam Á này.
Không chỉ có Singapore, tại các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, ngành du lịch cũng đang bùng nổ. Số lượng khách du lịch tăng 49% từ năm 2010 đến năm 2015, đạt mức trên 109 triệu người. Du lịch ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương phát triển nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Khu vực này chiếm ¼ số người đi nghỉ mát (thị phần của châu Âu trong ngành du lịch vẫn là ½).
Du khách thường đổ xô đến các quốc gia sở hữu tiền tệ có giá trị thấp. Ví dụ, đồng ringgit giá rẻ vào năm ngoái đã giúp thu hút du khách đến với Malaysia.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phụ thuộc khá nhiều vào ngành du lịch. Ngành này chiếm khoảng 28% GDP của Campuchia, con số này ở Thái Lan là hơn 20% GDP.
Tăng trưởng đáng chú ý nhất tại khu vực Đông Nam Á đến từ khách du lịch Trung Quốc. Số lượng du khách Trung Quốc tới khu vực này đã tăng gấp 5 lần trong một thập kỷ qua. Những người Trung Quốc dư giả đã chi gần 261 tỷ USD du lịch nước ngoài trong năm 2016, tăng mạnh so với 73 tỷ USD vào năm 2011.
Indonesia là một trong nhiều quốc gia Đông Nam Á đã nới lỏng chính sách thị thực của mình nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc. Ngoài ra, các chuyến bay giá rẻ cũng giúp thu hút du khách. Trong giai đoạn 2013 – 2016, số chuyến bay hàng tuần từ Trung Quốc đến Đông Nam Á đã tăng từ 92.000 lên 188.500.
Theo Paul Yong của Ngân hàng DBS tại Singapore, để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi cũng như để du lịch tiếp tục phát triển, cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Đông Nam Á cần phải được cải thiện. Các sân bay ở những nơi như Manila và Jakarta đang xuống cấp nhanh chóng, còn giao thông ở khu vực xung quanh các sân bay này thì tắc nghẽn trầm trọng.
Tại một số sân bay khác, các kế hoạch nâng cấp đang được triển khai. Các sân bay ở Bangkok dự kiến sẽ tăng công suất hàng năm hàng chục triệu lượt người trong 4 năm tới. Trong khi đó sân bay Nội Bài sẽ chi 5,5 tỷ USD để đáp ứng 35 triệu hành khách vào năm 2020. Các sân bay ở Singapore và Kuala Lumpur cũng sẽ được nâng cấp.
Khác với vấn đề về cơ sở vật chất, lập kế hoạch để khắc phục các mối đe dọa khác đối với sự phát triển của ngành du lịch khó khăn hơn rất nhiều. Nỗi sợ của các công ty du lịch mang tên suy thoái kinh tế, phun trào núi lửa và dịch bệnh. Xung đột chính trị giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng là một vấn đề khác.
Hình ảnh không tốt của các du khách Trung Quốc với các hành động như tranh đồ ăn tại các bữa buffet, chen hàng, cư xử không phải phép trên máy bay và các nơi công cộng cũng là một rào cản khiến họ không được chào đón ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với con số 135 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, các nước Đông Nam Á nên tìm cách để khai thác nguồn lợi to lớn này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.