Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/01/2024 16:04

Đây là cách nói ngắn gọn của ông Đặng Bảo Hiếu (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang) khi phát biểu tại một hội nghị do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức mới đây.

Thiếu những điều kiện pháp lý tạo đà phát triển

Theo ông Đặng Bảo Hiếu, 10 năm trước, khái niệm về du thuyền ở Việt Nam rất sơ khai, đặc biệt là khái niệm du thuyền giải trí cá nhân. Xã hội Việt Nam nhìn nhận du thuyền cá nhân như một món hàng cực kỳ xa xỉ chỉ dành cho một số rất nhỏ những doanh nhân giàu có thành đạt.

Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 1.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 2.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 3.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 4.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 5.

Xã hội Việt Nam nhìn nhận du thuyền cá nhân như một món hàng cực kỳ xa xỉ chỉ dành cho một số rất nhỏ những doanh nhân giàu có thành đạt (trong ảnh: Du thuyền phục vụ khách tại TP. HCM)

"Vì là thiểu số rất nhỏ nên hoạt động của du thuyền cá nhân được gom vào cùng hoạt động của các tàu thuyền vận chuyển khách du lịch như ở Hạ Long và các siêu tàu khách (tiếng Anh gọi là Passengers Cruise Ship hoặc Cruise Liner). Bởi sự đánh đồng này nên chưa có cơ chế quản lý, thiếu những điều kiện pháp lý tạo đà cho ngành du thuyền cá nhân phát triển", ông Hiếu nêu quan điểm.

Trước nhu cầu và đòi hỏi của thực tế, tại Hội nghị của Cục Hàng hải VN tổ chức ngày 22/12/2023, một trong những nhiệm vụ trong năm 2024 được Cục Hàng hải VN xác định là xây dựng Đề án quản lý du thuyền. Cùng với đó, rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy định liên quan đến tàu lặn.

Cũng theo ông Hiếu, ngành công nghiệp du thuyền giải trí cá nhân là một ngành có quy mô toàn cầu. Quy mô thị trường du thuyền toàn cầu là 9 tỷ USD vào năm 2022 và gia tăng ở mức 6% năm, dự kiến sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2032. Nhu cầu ngày càng tăng về tàu thuyền sang trọng để đáp ứng cho các hoạt động giải trí, du lịch và thể thao mạo hiểm là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của thị trường này.

Trong khi đó, Việt Nam với hơn 3.200 km bờ biển tuyệt đẹp và vô số đảo đẹp tự nhiên, nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ và đa dạng, ngành du thuyền Việt Nam vì thế có tiềm năng phát triển rất lớn.

"Tuy nhiên, do hiểu biết còn sơ khai, ngành du thuyền giải trí cá nhân ở Việt Nam hiện đang dừng chân trên vạch xuất phát", ông Hiếu nói và lấy một ví dụ so sánh: "Câu chuyện về du thuyền cá nhân ở Việt Nam giống như câu chuyện ô tô cá nhân ở Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước. Nếu có một chiến lược đúng đắn, một hành lang pháp lý rõ ràng, một cơ chế quản lý để phát triển, một sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách bài bản, chắc chắn sau 10-15 năm nữa, ngành du thuyền cá nhân ở Việt Nam sẽ có một bức tranh hiện thực như ngành sản xuất xe ô tô cá nhân bây giờ".

Nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác

Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 6.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 7.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 8.

Bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang

Là người đầu tiên dấn thân vào việc đầu tư xây dựng cảng cho du thuyền tại thành phố biển Nha Trang với dự án Ana Marina, Chủ tịch Ana Marina Nha Trang cho hay, Việt Nam với lợi thế là một quốc gia biển ấm quanh năm, nằm ở vị trí trung tâm trên con đường hàng hải Bắc - Nam, Đông Tây, lực lượng lao động, công nhân hàng hải, thuyền trưởng, thuyền viên có kỹ năng tay nghề cao, giá nhân công rẻ, dịch vụ đa dạng sẽ đặc biệt thu hút dòng tiền từ các hoạt động du lịch du thuyền này.

Hiện nay, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, thậm chí là Campuchia đã là điểm đến cho các siêu du thuyền của các tỷ phú thế giới. Theo ông Hiếu, nếu nhìn nhận Việt Nam là một điểm đến của du thuyền cá nhân thế giới (bao gồm du thuyền buồm, du thuyền động cơ, siêu du thuyền…) chắc chắn sẽ thu hút thêm được đầu tư từ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Hiện nay, cùng với sự phát triển du lịch nội địa và quốc tế, ngành du thuyền tại Việt Nam bắt đầu phát triển tích cực, phản ánh sự đa dạng và sự chú ý ngày càng tăng từ phía du khách cũng như doanh nghiệp, đã xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí trên biển bằng du thuyền.

Bến du thuyền chuẩn quốc tế không chỉ là nơi neo đậu cho du thuyền mà là một tổ hợp dịch vụ, du lịch bao gồm nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, mua sắm, lối sống… trên thế giới được xếp hạng từ 1 đến 5 sao theo cách như một khách sạn được đánh giá.

Khi số lượng du thuyền gia tăng, các bến du thuyền cũng dần hình thành để đáp ứng cho nhu cầu neo đậu và phục vụ các hoạt động khác liên quan đến du thuyền. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ana Marina Nha Trang, hầu hết các bến du thuyền tại Việt Nam đều có quy mô tự phát, bến thủy nội địa chưa đáp ứng các quy chuẩn quốc tế do vậy cần phải xây dựng quy chuẩn hạ tầng bến đậu cho du thuyền.

Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 9.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang phát biểu tại Hội nghị do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức ngày 22/12

"Chẳng hạn, bến cảng Công viên Bến du thuyền Quốc tế Ana Marina đáp ứng đầy đủ Bộ tiêu chuẩn bến du thuyền quốc tế của Hiệp hội Quốc tế Công nghiệp bến du thuyền về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định riêng cho mô hình như của Ana Marina mà vận hành như cảng biển quốc tế. Do đó, có một số quy định sẽ hạn chế sự vận hành mang tính chất đặc thù đáp ứng chuẩn, thông lệ quốc tế như về hồ sơ thủ tục, định biên thuyền viên, trực ca khi neo đậu tại cảng, giá dịch vụ hàng hải…", ông Hiếu nêu vấn đề.

Ông Hiếu cũng cho rằng, hiện nay đã có quy quy định dành cho phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước và có vùng hoạt động vui chơi sẽ được đăng kiểm, cấp phép bình thường. Tuy nhiên, với các loại tàu thuyền cá nhân như thuyền buồm thể thao, du lịch thì phải có những quy định khác điều chỉnh.

Ngoài ra, chủ du thuyền thường là những người trung lưu và họ muốn tận hưởng việc lái tàu thuyền của mình để du ngoạn Việt Nam. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho du lịch. Đây là một cơ hội tốt để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, ngành công nghiệp du thuyền, điểm đến lý tưởng trên hành trình quốc tế.

"Cơ quan chức năng cần ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ liên quan đến du thuyền, đặc biệt là quy định quản lý, khai thác, vận hành an toàn du thuyền, nghiên cứu việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình, quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các du thuyền đến với Việt Nam.

Cùng với đó, nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Kịp thời và tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp du thuyền nhằm phát huy các lợi thế có sẵn và đem lại nguồn lợi kinh tế lớn mà đang là xu hướng phát triển của rất nhiều quốc gia", ông Hiếu chia sẻ thêm.

Mỏi mắt tìm bến cho du thuyền

Theo thống kê của Sở Du lịch TP. HCM, trên địa bàn thành phố có 73 cảng, bến thuỷ phục vụ vận tải hành khách, du lịch, trong tổng số hơn 200 cảng, bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn. Trong đó, chỉ một số khu vực như bến Bạch Đằng (Quận 1), Lan Anh (TP. Thủ Đức)... đủ điều kiện về hạ tầng và không gian mặt nước cho các tàu thuỷ, du thuyền lớn neo đậu.

Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 10.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 11.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 12.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 13.
Ngành du thuyền Việt Nam đang ở vạch xuất phát dù có tiềm năng rất lớn- Ảnh 14.

Trên địa bàn TP. HCM, chỉ một số khu vực như bến Bạch Đằng (Quận 1), Lan Anh (TP. Thủ Đức)... đủ điều kiện về hạ tầng và không gian mặt nước cho các tàu thuỷ, du thuyền lớn neo đậu

Chia sẻ thông tin tại toạ đàm Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn, tổ chức ngày 12/12/2023, ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng thư ký CLB Du thuyền TP. Thủ Đức cho rằng, tình trạng thiếu bến neo đậu gây khó khăn lớn cho cá nhân, doanh nghiệp sở hữu du thuyền hoặc canô khi tìm địa điểm neo đậu. "Hiện, thành phố có gần 100 du thuyền cùng nhiều loại canô của cá nhân, nên những nơi đủ điều kiện luôn kín chỗ. Thực trạng này cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên", ông Thắng nêu thực tế.

Cũng theo đại diện CLB Du thuyền TP. Thủ Đức, bến bãi neo đậu hạn chế gây trở ngại lớn cho hoạt động mua bán, thử thuyền buồm ở thành phố. Bởi, doanh nghiệp xuất xưởng du thuyền không có chỗ giao hàng cho khách mà phải qua Thái Lan, tốn thêm 4 ngày mới có thể bàn giao. Vấn đề này ngoài tốn thời gian, phát sinh chi phí, còn gây nản lòng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Theo Sở Du lịch TP. HCM, số lượng khách du lịch bằng đường thuỷ năm 2023 và 2024 ước đạt 500.000 lượt, doanh thu 300 tỷ đồng mỗi năm và tăng khoảng 10% những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để phát triển du lịch trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức nên cần phối hợp của các sở ngành khác để đầu tư đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu đến bến neo đậu. Đây cũng là giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư từ bên tham gia các chuỗi sản phẩm du lịch ở thành phố.

Trong kế hoạch phát triển du lịch đường thuỷ đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu các sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông ở địa bàn và liên kết các địa phương lân cận.

"Do vậy, việc sớm đầu tư các bến du thuyền bài bản, tiến tới là trung tâm hàng hải ở thành phố là đặc biệt cấp thiết", ông Thắng nói và cho rằng phát triển các bãi neo đậu du thuyền sẽ kích thích thêm nhiều dịch vụ kèm theo, giúp phát triển du lịch, kinh tế ven sông.

Cũng tại toạ đàm này, ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International - hãng tàu ở Australia cho biết đã đến thị trường TP. HCM hơn 10 năm trước do nơi đây có nhiều điều kiện khai thác công nghiệp đóng tàu thuyền, du lịch sông nước. Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh gặp khó khăn liên quan các chính sách, hạ tầng bến bãi...

"Khi một phương tiện mới xuất xưởng phải thử nghiệm rất nhiều, nhất là những con tàu vượt đại dương càng cần chạy thử, kiểm tra bài bản. Tuy nhiên, bãi neo đậu ở TP. HCM không đủ đáp ứng, nên doanh nghiệp phải hình thành một trung tâm chạy thử ở Thái Lan. Chưa kể, hoạt động đăng kiểm cho du thuyền ở TP. HCM gặp nhiều khó khăn về thủ tục gây khó khăn cho nhu cầu sử dụng, hoạt động sản xuất, mua bán. Do vậy, cơ quan quản lý cần giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi xu hướng đầu từ, sử dụng du thuyền để vui chơi, du lịch ngày càng tăng", ông Richard Ward nói.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP. HCM Bùi Hoà An, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố hiện lên phương án tạo điều kiện đầu tư bến bãi cho hoạt động du thuyền. Theo đó, trong danh mục 411 vị trí định hướng làm bến thuỷ nội địa trên địa bàn có 164 địa điểm sẽ đầu tư mới. Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất ven sông có thể đề xuất địa phương cập nhật vào những vị trí này, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép đầu tư. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu các chính sách mới tạo điều kiện cho hoạt động đường thuỷ.

TP. HCM sẽ mở thêm 5 tuyến tàu thuỷ kết hợp du lịch

Theo đó, ngoài hai tuyến chạy ở nội đô, TP. HCM sẽ mở ba tuyến vận tải hành khách đường thuỷ kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025.

Hai tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: Quận 1 đi Quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Tuyến khác ở nội thành kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km. Tuyến này cũng có lợi thế khi có một số vị trí bến đã được xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Ngoài hai tuyến trên, thành phố lên kế hoạch mở thêm ba tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km. Tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch từ TP. HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12 km.

Ý kiến của bạn

Bình luận