Đoàn tàu chuyên container chạy thẳng ga Yên Viên đến thành phố Liege (Bỉ) tháng 7/2021. |
Mở thêm nhiều điểm gom hàng, giảm thời gian, chi phí
Cụ thể, đoàn tàu sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435mm.
Tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.
Đoàn tàu này chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất châu Âu. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italia)... Hãng IKEA là một trong những khách hàng có khối lượng hàng từ Việt Nam đi châu Âu bằng đường sắt lớn nhất. Hiện hãng đã xuất hàng bằng đường sắt được khoảng 900 FEU (tương đương 1.800 TEU).
Trước đó, ngành Đường sắt đã lần đầu tiên tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021. Từ trước đến nay, hàng được gom tại các điểm về Hà Nội bằng đường sắt hoặc đường bộ để lập tàu liên vận quốc tế. Tuy nhiên, từ tháng 3 này, ngành Đường sắt mở 3 điểm gom hàng lớn tại 3 miền Bắc – Trung – Nam gồm: Hà Nội – Đà Nẵng – Trảng Bom (Đồng Nai). Từ các điểm này lập các đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế chạy thẳng, qua đó, tiết kiệm được thời gian và chi phí logistics cho khách hàng.
Tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hoá
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt khẳng định, trong thời gian tới, ngành Đường sắt xác định trọng tâm là chuyển dịch sang vận chuyển hàng hóa đặc biệt là vận chuyển hàng hoá bằng container, tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến và vận tải liên vận quốc tế bằng container để bù đắp cho sự sụt giảm của vận tải hành khách; trong đó tích cực tham gia vào chuỗi logistics; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu… bằng đường sắt.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc – Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm; đẩy mạnh khai thác khối lượng vận tải hàng hoá tại các khu công nghiệp, nhà máy. Đồng thời, đổi mới công nghệ, áp dụng quản trị hiện đại nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả toa xe, phát triển kinh doanh vận tải hàng hoá; phát triển được các dịch vụ đầu cuối để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính cạnh tranh với các phương thức vận tải khác nhằm nâng cao thị phần vận tải.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) cho biết thêm, trong năm 2022, đơn vị nâng tần suất khai thác tàu hàng liên vận từ 3 chuyến/tuần lên 4 – 5 chuyến/tuần với nhiều điểm đến khác nhau tại Châu Âu như Pháp, Italia… Bên cạnh đó, sẽ phối hợp cùng các đối tác tổ chức khai thác các nguồn hàng từ Châu Âu về lại Việt Nam; ngoài chạy tàu nguyên đoàn chuyên container sẽ tiếp tục chạy tàu gom không nguyên đoàn thẳng tới châu Âu.
"Trong thời gian tới, Ratraco tiếp tục tìm kiếm và hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế trong lĩnh vực vận tải logistics đường sắt để nhằm tạo thêm các tuyến vận tải mới, các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế mới nhằm cung cấp thêm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước có thêm giải pháp vận tải tối ưu trong hoạt động kinh doanh của mình." - Ông Thanh cho hay.
Đề xuất ưu tiên dự án đấu nối chung khổ đường giữa hai ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đường sắt Việt Nam đã có kết nối với Đường sắt Trung Quốc qua hai tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường là kết nối thẳng còn tuyến Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc chưa tổ chức được việc vận chuyển hàng hóa đi Châu Âu vì hai bên khác nhau về khổ đường sắt (1000/1435 mm) cũng như còn một số hạn chế giới hạn về kỹ thuật. Cục ĐSVN đã có đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho dự án đấu nối chung khổ đường giữa hai ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc để tạo thuận lợi cho việc tổ chức lập tàu liên vận quốc tế quá cảnh Trung Quốc đi Châu Âu. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.