Ngành đường thủy: Tín hiệu vui từ hơn 11.000 tỷ đồng vốn BOT

Thời gian qua, ngành đường thủy đã có nhiều bước phát triển đột phá trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, đấu thầu dịch vụ bảo trì đường thủy.


 

images639673_3_zps332d7d65
Lượng hàng hóa vận chuyển đã có sự 'xê dịch' sang đường thủy. 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).

- Vận tải thủy luôn là loại hình vận chuyển rẻ nhất nhưng chỉ thực hiện được sau khi vận tải đường bộ bị kiểm soát tải trọng quyết liệt, lượng hàng hóa đã có sự “xê dịch” sang đường thủy. Cục Đường thủy Nội địa đã có những chủ trương gì để thu hút các doanh nghiệp vận tải?

Ông Trần Văn Thọ: Cục đã tổ chức hội nghị xúc tiến với tất cả các doanh nghiệp làm vận tải đường thủy nội địa, tháo gỡ các vấn đề, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho đường thủy phát triển liên quan đến phương tiện, cảng bến kể cả chỉ đạo chung lực lượng làm công tác cảng vụ cho phương tiện vào làm thủ tục xuất bến tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Ngoài ra, toàn bộ tuyến luồng những điểm khan cạn sẽ nạo vét để phương tiện đi lại, bố trí và điều chỉnh hệ thống báo hiệu phù hợp với diễn biến tuyến luồng phục vụ phù hợp với vận tải.

Cục Đường thủy cũng làm quy hoạch phương tiện hướng lượng phương tiện tự bốc xếp, di chuyển tăng lên 70%, phương tiện kéo đẩy giảm xuống 30% nhằm tăng tốc độ chạy tàu, tải trọng phương tiện, giảm thời gian quay vòng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Song song với đó, Cục có 3 quy hoạch về tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa, trong đó có 2 quy hoạch chi tiết về hệ thống cảng đường thủy khu vực phía Bắc và Nam. Trên cơ sở đó, có kế hoạch để triển khai.

Trên luồng đường thủy hiện có 45 tuyến chính và nhiều tuyến nhánh cùng các dự án đầu tư lớn như dự án WB5 đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bằng Sông Cửu Long có các tuyến vận tải chính, dự án WB6 phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía Bắc đang triển khai 2 dự án hành lang chính là Việt Trì đi Hải Phòng, Quảng Ninh; Lạch Giàng về Hà Nội. Một số dự án Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh hay các tuyến huyết mạch phía Nam như kênh Chợ Gạo đang triển khai giai đoạn 1.

- Lần đầu tiên ngành đường thủy có dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đồng thời kêu gọi xã hội hóa hạ tầng giao thông. Ông đánh giá như thế nào về tín hiệu vui này?

Ông Trần Văn Thọ: Xã hội hóa công tác đầu tư kết cấu hạ tầng hiện có 2 hình thức đầu tư là nạo vét tận thu và BOT đã khởi công tuyến Bình Lợi-Bến Súc dài 63km. Trong giai đoạn từ 2015-2020, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt có 45 dự án BOT đang cần huy động nguồn vốn lên tới hơn 11.000 tỷ.

Hiện, lãnh đạo Cục đang quyết liệt xây dựng các dự án, thuê tư vấn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục dự án để kêu gọi đầu tư xã hội hóa để cải tạo nâng cấp một số tuyến đường thủy, cửa sông và cảng.

- Liệu số vốn huy động này có khả thi?

Ông Trần Văn Thọ: Bộ trưởng giao cho Cục phải triển khai thực hiện, trong tập thể lãnh đạo Cục phân công các dự án cho các Phó Cục trưởng liên quan đến các dự án và kêu gọi các nhà đầu tư vào.

45 dự án tới khả năng thu hút nhà đầu tư là rất lớn. Đơn cử như cửa Trà Lý (Thái Bình) có 2 nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực và Dầu khí đầu tư với lượng than cung cấp cho nhà máy này khoảng 9 triệu tấn/năm. Nếu vận chuyển từ Quảng Ninh mà đi theo tuyến sông Luộc thì ​chiều dài là 280km. Tuy nhiên, dự án được đầu tư BOT đi theo tuyến ven biển theo cửa Trà Lý sẽ rút ngắn chỉ còn 140km, giảm thời gian lưu thông đồng thời phương tiện chuyên chở lớn hơn.

Sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng cảng vụ, thanh tra Cục Đường thủy nội địa đã triển khai 18 cuộc kiểm tra và làm thủ tục cho 111.124 lượt phương tiện vào, rời cảng bến thủy nội địa; phát hiện 1.586 vụ vi phạm, xử phạt 1.478 vụ với số tiến 1,13 tỷ đồng, đình chỉ 151 trường hợp (36 phương tiện, 115 bến thủy nội địa).

Tính đến ngày 22/6, tổng số phương tiện đăng ký là 239.720 chiếc; tổng số bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp là 311.439 chiếc.

Bên cạnh đó, Cục đã làm việc với từng nhà đầu tư về các khâu chuẩn bị đầu tư, phối hợp với nhà đầu tư thực hiện về cơ chế thu phí, thu như thế nào? Ai thu? Đánh giá lại từng dự án để tìm nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như yêu cầu nhà đầu tư làm hết trách nhiệm của mình.

- Hiện đường bộ đã có quỹ bảo trì. Vậy, tới khi nào thì sẽ có quỹ bảo trì đường thủy, thưa ông?

Ông Trần Văn Thọ: Khi xây dựng Luật Đường thủy Nội địa sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, Cục Đường thủy chưa đưa quỹ này vào vì thực tế pháp lệnh phí và lệ phí có phí luồng lạch và phí sử dụng đường bộ nhựng chưa đưa quỹ này vào nên chưa triển khai. Nếu sửa đổi thì mới đưa vào. Phương thúc thu chưa cụ thể vì chưa có kế hoạch.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường thủy?

Ông Trần Văn Thọ: Trên phạm vi cả nước xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 32 người chết, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 19 vụ. Nguyên nhân là do vi phạm quy tắc tránh vượt, say rượu khi điều khiển phương tiện, va chạm vào các công trình…

Cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy nội địa rà soát, điều chỉnh kịp thời hệ thống báo hiệu đường thủy phù hợp với thực tế luồng lạch, khu vực có công trình thi công…

Ngoài ra, Cục cũng xây dựng chương trình đi làm việc với địa phương và có văn bản đề nghị các tỉnh, thành khẩn trương rà soát các bến đò ngang không phép để công bố quy hoạch từ đó đưa ra các biện pháp quản lý đảm bảo an toàn phù hợp và hiệu quả.

Đối với các phương tiện đường thủy chở quá tải, Cục tổ chức cho các chủ cảng, bến ký cam kết thực hiện kiểm soát tải trọng xe khi xếp dỡ hàng hóa, quy trách nhiệm từng lãnh đạo để phương tiện quá tải hoạt động trên tuyến.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ý kiến của bạn

Bình luận