Ngành GTVT Bình Dương kỷ niệm 40 năm thành lập

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 31/08/2015 16:02

40 năm Bình Dương có 7.421km đường giao thông các loại, trong đó QL 77 Km, ĐT 499km, ĐH 463km, đường đô thị 394km, đường xã 3464km và 2.522km đường chuyên dùng.

so gtvt Binh Duong
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng quà cho các cán bộ, CNVLĐ ngành GTVT Bình Dương

Ngày 30/08, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015), 40 năm xây dựng và phát triển ngành GTVT tỉnh Bình Dương, Bình Dương đã tổ chức gặp mặt cán bộ, CNVLĐ từ 1975 đến nay.

Ông Trần Bá Luận – Giám đốc sở GTVT Bình Dương cho biết: mạng lưới đường giao thông trên địa bàn tỉnh sau 1975 rất yếu, lạc hậu do bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ngoài tuyến QL13 và một số ít tuyến là đường nhựa, còn lại là đường đất, hệ thống cầu đường bộ hầu hết là cầu sắt dã chiến có tải trọng thấp.

Tran Ba Luan
Giám đốc Sở GTVT Bình Dương Trần Bá Luận báo cáo thành quả đạt được của ngành GTVT Bình Dương qua 40 năm

Do vậy, nhiệm vụ của ngành GTVT Bình Dương trước tiên là khôi phục và đảm bảo giao thông các tuyến quốc lộ, đường tỉnh phục vụ nhu cầu bảo vệ tổ quốc (biên giới Tây Nam) và nhu cầu giao thông thiết yếu. Các tuyến đường được đầu tư với qui mô đường sỏi đỏ là chủ yếu, hệ thống cầu đường bộ được khôi phục chủ yếu là cầu Fffeil, Bailey chỉ đáp ứng tải trọng từ 05 tấn đến 10 tấn.

Sau đổi mới 1986, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng để phục vụ tiến trình đổi mới của tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng nhựa hóa các tuyến đường tỉnh ĐT741, ĐT742, ĐT744, … Các cầu sắt dần dần được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép như: cầu Phước Hòa, cầu Ông Cộ, cầu Ông Tiếp, cầu Bà Kiên, cầu Tổng Bản.

Ngay sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé (ngày 1/1/1997), ngành giao thông vận tải Bình Dươngđã ra sức phấn đấu tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo hướng văn minh, hiện đại theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng, huyết mạch, các trục “xương sống” theo hướng Bắc - Nam của tỉnh (Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT742,…) và các vành đai theo hướng Đông – Tây của tỉnh (như: ĐT743, ĐT746, ĐT747,…), hình thành mạng lưới giao thông  đồng bộ, liên hòan, kết nối thông suốt giữa các khu đô thị, công nghiệp, dân cư, các vùng nguyên liệu, nông thôn,… trên địa bàn tòan tỉnh; kết nối trung tâm thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị, công nghiệp trong tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và tỉnh thành trong khu vực;

Ngoài ra, để kết nối với các tỉnh thành lân cận, một số công trình đã được đầu tư trong thời gian qua như: xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai và Quốc lộ 1; Đầu tư xây dựng cầu Phú Cường, Bến Súc, Cầu Tàu qua sông Sài Gòn, kết nối giao thông với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Quốc lộ 22; Xây dựng mới cầu Thới An và đường Vành đai 4 đọan qua địa bàn tỉnh Bình Dương,... góp phần hình thành các vành đai theo hướng Đông – Tây của tỉnh;

Đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747 với quy mô đường cấp I, II, 4 đến 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu phía Bắc của tỉnh, với các tỉnh thành lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực.

Bình Dương cũng đã chủ động huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng mới đường Mỹ Phước – Tân Vạn (đọan đi trùng với đường Vành đai 3), kết nối thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, công nghiệp của tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trục giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa.

Giao thông đô thị cũng đồng bộ phát triển, trong đó, tuyến đường vào trung tâm hành chính tỉnh (đường Phạm Ngọc Thạch) được hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2014 kết nối trung tâm thành phố mới Bình Dương với đô thị Thủ Dầu Một và các trung tâm đô thị trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển thành phố mới Bình Dương, là tiền đề, động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Bình Dương theo quy hoạch, xây dựng Bình Dương thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

GTNT được nhựa hóa, bê tông hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả thiết thực và đúng tiến độ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được kết nối thông suốt từ đường Trung ương đến đường địa phương, với 7.421km đường giao thông các loại, trong đó: đường quốc lộ dài 77 Km , đường tỉnh dài 499km, đường huyện dài 463km, đường đô thị dài 394km, đường xã dài 3464km và 2.522km đường chuyên dùng.

Vì những cống hiến 40 năm qua, ngành GTVT Bình Dương đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Cờ thi đua các loại, trong đó quan trọng nhất là Sở GTVT đã nhận được Huân chương lao động hạng Ba vào năm 2001 và Huân chương lao động hạng Nhì vào năm 2009.

Phướng hướng sắp đến tỉnh Bình Dương sẽ phát triển các trục giao thông theo hướng Bắc Nam, Đông Tây, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực trong tỉnh, các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm với trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Cải tạo, nâng cấp các đầu mối giao thông đảm bảo nhu cầu giao lưu thông suốt. Cần xem xét hoạch định dự trữ quỹ đất để cải tạo các đầu mối trong tương lai.

Phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đến năm 2020 tỷ lệ nhựa-cứng hóa đạt 100%. 

Ý kiến của bạn

Bình luận