Sẵn sàng ứng phó mưa bão, đảm bảo giao thông các tuyến đường, vị trí xung yếu
Ngày 26/9, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4 - bão Noru, Cục QLĐB III vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý đường bộ III.1, III.3, III.4 và III.5, các nhà thầu, đơn vị thi công thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin của bão, bố trí lực lượng trực gác 24/24h, báo cáo nhanh bằng điện thoại những thiệt hại, sự cố giao thông về Cục QLĐB III để kịp thời chỉ đạo ứng cứu đảm bảo giao thông.
Cục QLĐB III cũng chỉ đạo các đơn vị theo dõi công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện để chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, sạt lở taluy âm, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để khắc phục sự cố hư hỏng, tập trung dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương, gia cố lại vị trí ta luy âm, vá ổ gà sâu bằng vật liệu tạm để bảo đảm giao thông. Các công trình đang thi công cầu, cống .... trên tuyến phải có biện pháp gia cố chống xói lở, tránh sự cố xảy ra.
Yêu cầu Hạt trưởng các Hạt quản lý Quốc lộ phải triển khai tổ chức trực tại đơn vị để theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời nắm bắt và ứng phó đối với các sự cố công trình, khắc phục hậu quả do thiên tai.
Đối với các vị trí mặt đường hư hỏng dạng ổ gà lẻ tẻ hiện có, các vị trí rạn nứt có nguy cơ tiếp tục phát sinh thành ổ gà sau bão trên các tuyến quốc lộ, yêu cầu các đơn vị khẩn trương vá sửa bằng nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên, để ngăn ngừa nguy cơ phát sinh mở rộng diện tích hư hỏng sau đợt bão.
"Đối với các vị trí xung yếu tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, sạt lở lớn gây tắc giao thông như khu vực đèo Khánh Lê, tuyến đường Trường Sơn Đông, tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, các đoạn tuyến thường xảy ra ngập nước trên các tuyến QL1, Cục QLĐB III yêu cầu nhà thầu QLBT khẩn trương chuẩn bị hệ thống biển báo, rào chắn, barie để phân làn điều tiết giao thông, thực hiện cẩu dỡ các cấu kiện dải phân cách giữa (nếu có) tại các vị trí ngập nước.
Huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe trong thời gian nhanh nhất. Cử ngay lãnh đạo Chi cục QLĐB khu vực đến hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác phân luồng, đảm bảo giao thông và khắc phục sự cố thiên tai", ông Bình thông tin.
Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đồng loạt triển khai biện pháp ứng phó, đảm bảo ATGT
Là những địa bàn được dự báo cơn bão số 4 - bão Noru đổ bộ trực tiếp khi vào đất liền, đến sáng 26/9, Sở GTVT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có công điện gửi các đơn vị trong ngành GTVT yêu cầu thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa bão một cách cụ thể, hiệu quả.
Theo đó, Sở GTVT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, chủ động thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa. Khắc phục hậu quả mưa, lũ, đặc biệt chú ý các hạng mục thi công ở miền núi hay có lũ quét, sạt lở đột xuất.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra, Sở GTVT Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến đường được giao quản lý. Kiểm tra các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Kịp thời nắm bắt thông tin tình hình giao thông trên các tuyến đường, báo cáo về Ban Phòng chống lụt bão ngành và phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở… kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Các đơn vị thi công sửa chữa trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ triển khai các biện pháp phòng tránh bão để bảo vệ tài sản, đảm an toàn cho người và phương tiện thi công; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và nhân dân trong công tác ứng phó với bão lũ.
Là những đơn vị đang triển khai nhiều dự án công trình giao thông trên địa bàn miền Trung, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 5 và các Ban Quản lý dự án các tỉnh/thành cũng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, kiểm tra hiện trường các công trình xây dựng dở dang, di dời máy móc, thiết bị đến nơi cao để tránh ngập, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và nhân dân trong công tác ứng phó với lũ lụt. Kiểm tra thường xuyên các công trình vừa thi công vừa khai thác.
Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng yêu cầu Thanh tra Sở GTVT, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những thiếu sót, nguy cơ phát sinh làm mất an toàn giao thông, báo cáo ngay để Ban Phòng chống lụt bão ngành biết, chỉ đạo, phối hợp xử lý.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đường thủy nội địa, kịp thời ngăn chặn, xử lý và báo cáo cho chính quyền địa phương biết các trường hợp đi lại không bảo đảm ATGT. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT để phân luồng, phân tuyến và điều tiết giao thông.
Yêu cầu tàu, thuyền vào nơi neo đậu tránh trú an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi xảy ra tình huống xấu. Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện an toàn, thực hiện quy định neo đậu của các tàu thuyền.
"Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở GTVT cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống lụt bão trong phạm vi đơn vị. Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng bố trí cán bộ trực phòng chống lụt bão kể cả vào ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật). Quán triệt tất cả cán bộ, công chức thuộc Sở GTVT nếu không có nhiệm vụ thì hạn chế đi lại trong thời gian mưa lũ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cấp bách do cấp trên phân công", ông Tuấn nói.
Diễn biến bão Noru:
Sáng sớm nay (26/9), bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Hồi 4h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Lu-Dông (Philippines), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.