Chỉ định thầu cao tốc Bắc- Nam thế nào?- Bài 4: Quy trình bài bản, thủ tục chặt chẽ

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 26/09/2022 07:53

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quy trình, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện rất bài bản, khoa học.

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Quy trình, trình tự thực hiện chỉ định thầu thế nào?

Văn bản của Bộ GTVT cho biết, Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014 quy định về trình tự, thủ tục chỉ định thầu như sau: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu); Tổ chức lựa chọn nhà thầu (phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất); Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Khi thực hiện chỉ định thầu phải đáp ứng các điều kiện chính như: Có quyết định đầu tư được phê duyệt; Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; Có dự toán gói thầu được phê duyệt theo quy định.

Căn cứ quy định nêu trên, Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 119 ngày 08/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 ngày 11/02/2022 của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tổ chức thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư trong việc thực hiện chỉ định thầu (người quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu).

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, căn cứ yêu cầu về quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của gói thầu, các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm đối tác để thành lập tổ hợp liên danh (nếu cần), đảm bảo đủ điều kiện tham gia dự thầu theo các tiêu chí được quy định. Do đó, để đảm bảo công khai, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực hiện dự án, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu nêu trên, Bộ GTVT sẽ tổ chức thực hiện theo 2 bước.

Cụ thể, bước 1, Bộ GTVT sẽ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng và đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện; tìm kiếm đối tác đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí để liên danh đăng ký tham gia gói thầu (gửi đơn đề nghị tham gia cho bên mời thầu); trên cơ sở danh sách các nhà thầu đăng ký, bên mời thầu tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; xác định danh sách nhà thầu đủ điều kiện nhận hồ sơ yêu cầu; Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Tiếp đó, căn cứ phạm vi gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn lập dự toán; căn cứ dự toán được phê duyệt đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu; phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất; tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Quy mô gói thầu dự kiến từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng

Về quy mô gói thầu, theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần có giá trị khoảng 7.643 - 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 - 15.131 tỷ đồng (gồm công trình đường bộ cấp I, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp III trở lên).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ.

"Từ thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 - 40 km/1 gói thầu sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Khi đó, 1 gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư", văn bản nêu.

Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, theo số liệu khảo sát về nhà thầu xây lắp (khi chưa xét đến tiêu chí doanh thu) thì trong 5 năm gần đây, sơ bộ đánh giá chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng. Trường hợp mở rộng 10 năm gần đây thì có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 5.715 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng.

Các nhà thầu được khảo sát còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu độc lập, mà phải thành lập tổ hợp (liên danh khoảng 5 - 10 nhà thầu) mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để tham gia gói thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nhà thầu chính tham gia 1 gói thầu thi công xây dựng (số lượng liên danh nhiều hơn 5 nhà thầu/1 gói thầu); việc quản lý thực hiện hợp đồng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, bộ máy quản lý, năng lực tổ chức điều hành trong liên danh khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; sẽ mất nhiều thời gian để các nhà thầu thỏa thuận, phân chia trách nhiệm, phạm vi công việc; có thể dẫn tới chia nhỏ công địa thi công (các thành viên đều tham gia thi công công trình cầu, đường, hầm...) gây khó khăn trong bố trí mặt bằng, tập kết vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị; đường công vụ, phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công, văn phòng điều hành, lán trại; đảm bảo an ninh, trật tự trên công trường... khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu nếu có vi phạm chất lượng, tiến độ.

Công trường thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Công trường thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Mặt khác, tương ứng giá trị gói thầu xây lắp từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, gói thầu tư vấn giám sát (TVGS) sẽ có giá trị khoảng 40 - 60 tỷ đồng, thực tế hiện nay có không nhiều nhà thầu TVGS đáp ứng được yêu cầu.

Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô nhỏ sẽ có nhiều nhà thầu tham gia thực hiện dự án, khó đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, tiến độ; không thu hút được các nhà thầu mạnh có năng lực, kinh nghiệm tham gia.

Để đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các nhà thầu, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40 km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Theo đó, 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu; số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/1 gói thầu.

Với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn 1 gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện). Đồng thời, việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng TVGS có giá trị khoảng 20 - 40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu TVGS của Việt Nam hiện nay.