Ngành GTVT: Một năm phát triển toàn diện, đột phá và hiệu quả

Giao thông 24h 17/02/2015 22:01

Với phương châm hành động “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa”, quyết liệt tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, năm 2014, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đã đoàn kết, thống nhất cao và nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.


2_2

Nhà Ga T2 Cảng hàng không Nội bài

Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành, năm 2014, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã có nhiều đổi mới, vừa quyết liệt, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được điểm nhấn để tháo gỡ nút thắt, đem lại chuyển biến rõ rệt trong mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, chủ động trong giải quyết công việc, vì vậy chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương được tăng cường, có hiệu quả trên tất cả các mặt, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc về GPMB, tổ chức thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên…

Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính

3 năm liên tiếp, kể từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL, chiến lược, quy hoạch và đề án khác, không để nợ đọng văn bản. Trong năm 2014, Bộ GTVT đã chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; đã trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 văn bản QPPL, đạt 107,6% kế hoạch; 13 chiến lược, quy hoạch và đề án khác, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2014; ban hành theo thẩm quyền 87 thông tư, thông tư liên tịch với các bộ, ngành và 40 quy hoạch, kế hoạch và đề án khác. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của Bộ GTVT trong công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về GTVT, kịp thời giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác CCHC, cải cách TTHC được đẩy mạnh, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật công tác, tăng hiệu quả giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc với các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT. Ngày 05/9/2014, Bộ Nội vụ công bố Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu về chỉ số CCHC trong khối các bộ, ngành. Việc tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng một số cơ quan thuộc Bộ đảm bảo công khai, minh bạch và đã đạt được kết quả tốt; việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện phong trào “4 xin” và “4 luôn” trong toàn Ngành đã đạt được kết quả bước đầu, được xã hội và người dân đồng tình, ghi nhận. Công tác xã hội hóa đào tạo, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, học viện thuộc Bộ được triển khai tích cực.

Siết chặt, tập trung quản lý hoạt động vận tải

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy hành khách là trung tâm để phục vụ. Các doanh nghiệp khai thác cảng, bến, nhà ga chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, điều hành, thông tin cho hành khách. Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, triển khai nhiều giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, lượng xe quá tải đã giảm nhiều, đặc biệt là xe chở hàng đường dài. Phần lớn lái xe, chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải đã có ý thức chấp hành tốt hơn. Trong năm 2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 412.223 xe, phát hiện và lập biên bản 59.401 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 14,4%), buộc các phương tiện vi phạm hạ tải 23.005 xe với hơn 120.000 tấn, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 331 tỷ đồng. Từ ngày 01/8/2014 đến 31/12/2014, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.281/13.485 xe của 1.046 doanh nghiệp, dự án (trên tổng số 4.320 doanh nghiệp, dự án có sử dụng xe ô tô tự đổ) tại 56 địa phương; trong đó, vi phạm 1.169 xe, cắt thùng tại chỗ 342 xe, giữ tem kiểm định 256 xe, yêu cầu tự khắc phục 555 xe. Qua công tác đăng kiểm, đã loại bỏ 16.488 xe hết niên hạn sử dụng. Qua công tác kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài giảm còn 3,49% (năm 2013 là 6,13%) và Đội tàu biển Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách đen của Tokyo-MOU.

Công tác quản lý dịch vụ logistics tiếp tục được chú trọng và phát triển. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013. Việc triển khai các đề án, kế hoạch hành động tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giảm thiểu UTGT, kiềm chế TNGT.
Năm 2014, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành GTVT. TNGT tiếp tục được kiềm chế. Lần đầu tiên sau nhiều năm, số người chết vì TNGT đã giảm xuống dưới 9.000 người và 3 năm liên tiếp kể từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí. Năm 2014, số vụ và số người bị thương đã giảm sâu (số vụ giảm 13,8% và số người bị thương giảm 17,2%), số người chết giảm 4% so với năm 2013. Công tác đăng kiểm phương tiện được chú trọng và tăng cường.

Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng

Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, phát triển nhanh KCHTGT, một trong ba khâu đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Tiến độ và chất lượng các công trình, dự án đầu tư xây dựng KCHTGT tiếp tục chuyển biến tích cực. Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, hầu hết các công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ vượt yêu cầu, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010.

Trong năm 2014, 76 công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác (vượt 31% so với kế hoạch), kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tiêu biểu như một số dự án: Cầu Nhật Tân, đường nối Nội Bài – Nhật Tân, QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C, Nhà ga hành khách T1 mở rộng, Nhà khách VIP A và Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Dự án cải tạo, nâng cấp luồng tàu vào Cảng Cửa Việt, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Dự án nạo vét luồng Soài Rạp… Bên cạnh đó, 61 công trình, dự án được tập trung, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công, triển khai thi công mới (vượt 74% so với kế hoạch), tiêu biểu như: Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Dự án Hòa Lạc – Hòa Bình, QL3 mới đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn), Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cầu Long Bình – Chrey Thom, Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu…

Được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia, dự án mở rộng QL1 và QL 14 đoạn qua Tây Nguyên đã được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Trong đó, các dự án đoạn Thanh Hóa – Vũng Áng (Hà Tĩnh), Phan Thiết – Biên Hòa đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ. Toàn bộ các dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, rút ngắn thời gian thi công khoảng 1 năm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, “Đề án Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số” đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 86 cầu trước Tết Nguyên đán năm 2015.

Với chủ trương xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năm 2014, Bộ GTVT đã huy động được 39.077 tỷ đồng đầu tư vào 19 dự án theo hình thức BOT, vượt 22% kế hoạch năm. Đến hết năm 2014, tổng mức đầu tư các dự án huy động vốn ngoài NSNN đạt 178.165 tỷ đồng với 65 dự án được đầu tư. Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư phát triển đạt năm 2014 đạt 116.702,4 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch. Trong đó, các nguồn vốn NSNN giải ngân đạt 75.402,4 tỷ đồng, vốn ngoài NSNN giải ngân đạt 41.300 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ giá thành, tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư; trong đó, thường xuyên rà soát quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án; rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm; rà soát, gia cường để kéo dài thời gian sử dụng của các cầu… Đến nay, qua công tác rà soát tại 44 dự án, kinh phí tiết giảm được khoảng 39.365 tỷ đồng. Năm 2014, kinh phí tiết giảm được khoảng 5.241 tỷ đồng qua rà soát 25 dự án.

Năm 2014 cũng đánh giá là thành công đối với hoạt động quản lý thu – chi Quỹ Bảo trì đường bộ. Tổng số thu phí sử dụng đường bộ trên cả nước đạt 4.951/4.601 tỷ  đồng, vượt 7,6% kế hoạch thu năm 2014. Trong đó, đã phân chia 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ về các Quỹ bảo trì đường bộ địa phương với số tiền 1.572,5 tỷ đồng; chi bảo trì hệ thống QL và các nhiệm vụ liên quan đến bảo trì đường bộ là 5.787,7 tỷ đồng (bảo dưỡng thường xuyên 17.641km đường, hoàn thành sửa chữa định kỳ 279 công trình với tổng số 386 cầu, 2.883km đường được sửa chữa và 101 điểm sụt trượt, mất ATGT được khắc phục…

Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp

Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt. Năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 143 doanh nghiệp của cả nước, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là thực hiện thành công IPO Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hoàn thành cổ phần hóa 10 Công ty mẹ – Tổng công ty thuộc Bộ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã được cải thiện, phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đẩy mạnh tái cơ cấu theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội và người dân ghi nhận. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, bảo đảm tiến độ, theo sát mục tiêu của đề án tái cơ cấu. Những kết quả đạt được như trên là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu của cổ phần hóa, đó là: Huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Về Công tác khoa học, công nghệ (KHCN), trong năm 2014, Bộ GTVT đã ban hành 18 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), phối hợp với Bộ KH&CN công bố 27 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); các Cục chuyên ngành công bố 08 tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu KHCN vào sản xuất như thiết bị đuôi tàu, điều chỉnh khổ giới hạn đầu máy, toa xe trong QCVN về khai thác đường sắt, thiết bị kiểm tra đặc tính quang học đèn chiếu sáng xe cơ giới trong công tác quản lý chất lượng xe cơ giới, áp dụng kết cấu dầm T ngược, vòm thép nhồi bê tông trong xây dựng công trình cầu… Tăng cường ứng dụng vật liệu, công nghệ mới, đã tổng kết các công nghệ cào bóc tái sinh nguội và ban hành Quy định kỹ thuật làm cơ sở cho áp dụng đại trà các công nghệ này tại các dự án cải tạo trên các quốc lộ; triển khai ứng dụng thử nghiệm công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa (BTN), vật liệu Rhinophalt, BTN rỗng… Kịp thời giải quyết các vấn đề về kỹ thuật phát sinh trong xây dựng KCHTGT.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng; quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, ATGT, quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; đăng kiểm xe cơ giới; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… Công tác thông tin, truyền thông của Bộ được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân về các chủ trương, hoạt động cũng như việc xử lý các vấn đề “nóng” của Ngành, được dư luận xã hội và người dân đồng tình, tin tưởng và đánh giá cao. Các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn Ngành như Chương trình “Tri ân và chia sẻ”, Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT, Cuộc thi Tiếng hát Ngành GTVT năm 2014…

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2015

Với phương châm hành động của toàn ngành GTVT năm 2015 là “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, tập thể lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Bộ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đường sắt; tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết liệt triển khai tái cơ cấu vận tải trong toàn Ngành, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án kết nối các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ.

Năm 2015, toàn Ngành hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 86.636,9 tỷ đồng. Trong đó, NSNN là 6.498 tỷ đồng, TPCP là 37.708,9 tỷ đồng, ngoài NSNN là 41.980 tỷ đồng. Tiếp túc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên với yêu cầu bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Về vận tải, phấn đấu tăng trưởng bình quân 5% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2014.

Tiếp tục thực hiện Năm An toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; phấn đấu giảm TNGT ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% – 10% so với năm 2014 trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách; giảm UTGT tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra UTGT kéo dài trên 30 phút.
Năm 2015, các đơn vị của Ngành tiếp tục hoàn thành việc quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, thực hiện IPO trong năm 2014. Hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, triển khai thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo đúng mục tiêu, kế hoạch.

Cẩm Phú

Ý kiến của bạn

Bình luận