Ngành GTVT Thanh Hóa tiếp bước truyền thống Anh hùng

Tác giả: DƯƠNG THÙY

saosaosaosaosao
26/08/2015 06:50

Phát huy truyền thống Anh hùng, ngành GTVT Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển xây dựng mảnh đất kiên cường ngày một giàu đẹp.

RWvpDq0
Thành phố Thanh Hoá hôm nay

NGÀNH ANH HÙNG TRÊN QUÊ HƯƠNG ANH HÙNG

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngành GTVT Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc. Hàng vạn người dân Thanh Hóa đã có mặt trên mặt trận GTVT, họ tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, hàng hóa ra tiền tuyến nhanh chóng, kịp thời, luôn xứng danh là địa phương “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân, dân công Thanh Hóa làm công tác GTVT đã ngã xuống trên những công trường, những tuyến đường, những trận tuyến để giữ vững mạch máu GTVT và sự an toàn cho những chuyến hàng tiếp viện từ hậu phương ra tiền tuyến.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ hậu phương Thanh Hóa, hơn một triệu dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong GTVT được huy động, ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ chiến trường... Ngành GTVT Thanh Hóa đã cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong đó, tỉnh đã huy động 182.124 dân công gánh bộ, 11.000 dân công xe đạp thồ tiếp chuyển từng chặng trên suốt tuyến từ Thanh Hóa cho đến kho lương thực Tuần Giáo (Lai Châu). Trạm H1 Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài 80km do đoàn xe thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa đảm nhiệm với 3.000 xe. Tuy đoạn đường chiến đấu gian nguy, vất vả nhưng với ý chí quyết tâm đánh giặc, đoàn dân công Thanh Hóa lên đường với niềm tin tưởng. Hình ảnh đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như một biểu tượng của óc sáng tạo, của tinh thần “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để cứu nước”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương phải đương đầu trực tiếp với chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt ấy, những địa danh GTVT như: Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép cùng với những tấm gương chiến đấu quên mình của dân quân Nam Ngạn, Yên Vực; của các lão dân quân Hoằng Trường; nữ dân quân Hoa Lộc, nữ dân quân Thanh Thủy, Hoằng Hải, Hà Phú, Hà Toại... và biết bao những người con ưu tú khác của xứ Thanh dũng cảm trong chiến đấu đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Trước những công lao to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất. 197 tập thể, 107 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngành GTVT cũng được phong tặng 6 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

GTVT THANH HÓA THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Trong hoạt động GTVT, vận tải là khâu trung tâm, lấy vận tải thủy làm mũi nhọn. Ngành GTVT tỉnh đã triển khai thực thi một loạt biện pháp tiếp nhận, mua sắm trang thiết bị, phương tiện vận tải thủy bộ, nhất là vận tải thủy. Tỉnh đã đầu tư thêm nhiều sà lan, tàu biển loại lớn, xe ô tô tải, đầu máy kéo, xe cơ giới nhỏ, xe công nông, xe lam chở khách... trang bị cho các binh chủng vận tải.

Mặt khác, GTVT Thanh Hóa đẩy mạnh sửa chữa phương tiện cơ giới, thô sơ thủy bộ nên đã giải phóng được nhiều phương tiện vận tải tham gia kế hoạch; tiếp tục nạo vét cửa Lạch Trào và cảng Lễ Môn có thể đón được các tàu có trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn ra, vào cảng những thời điểm có nước thủy triều cao, bảo đảm được kế hoạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Từ đây, các tàu có thể trực tiếp nhận than, xi măng đưa vào các tỉnh phía Nam, không phải chuyển tải hoặc chở ra Hải Phòng như trước, giảm chi phí hàng chục triệu đồng tiền cước và hàng trăm tấn nhiên liệu xăng dầu, mở ra bước ngoặt và sự trưởng thành mới của vận tải tỉnh, từng bước đưa cảng Lễ Môn đạt tiêu chuẩn cảng khu vực, tạo cơ sở cho hoạt động vận tải biển tuyến Bắc - Nam của tỉnh có nhiều thuận lợi, tạo đà cho vận tải biển Thanh Hóa vươn ra các nước bạn.

Song song với công tác đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, hoạt động vận tải ở Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, vận tải hành khách đã được tập trung chấn chỉnh; phong trào thi đua "Nâng cao chất lượng phương tiện và tinh thần phục vụ hành khách" được các đơn vị tổ chức thực hiện tốt. Nhiều luồng tuyến được mở rộng đến các tỉnh, các xã, cụm dân cư trong tỉnh; tình trạng xe dù, bến cóc đã giảm, 5 bến xe mới được xây dựng ở Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc...

Trong Quy hoạch phát triển GTVT Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030, hệ thống GTVT tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội với mức tăng trưởng nhanh, đảm bảo chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường. Về tổng thể, tỉnh Thanh Hóa hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải và các hành lang vận tải chủ yếu đối với các mặt hàng có khối lượng lớn. Thực hiện chiến lược phát triển GTVT Thanh Hóa không chỉ vì Thanh Hóa mà còn vì cả nước.

Để tiếp tục duy trì và phát triển, ngành GTVT Thanh Hóa tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, bảo đảm liên kết giữa các vùng, các huyện trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm của đất nước; đầu tư hạ tầng giao thông cho các khu công nghiệp, khu kinh tế Nghi Sơn, khu du lịch..., tạo tiền đề vững chắc cho phát triển Ngành cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh

Ý kiến của bạn

Bình luận