Ngành GTVT vượt khó nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Bạn đọc 20/01/2020 05:31

Năm 2019, Bộ GTVT vượt qua thách thức để triển khai nhiều dự án, tiêu biểu như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam..., đặc biệt TNGT đã được kéo giảm, số người thiệt mạng do TNGT bằng với năm 2000. Đây là những tiền đề quan trọng để ngành GTVT thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

 

3

Vận tải tăng trưởng

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm 2019 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2019 với sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ và tập thể cán bộ, CCVC, người lao động ngành GTVT tiếp tục nỗ lực phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực trong toàn Ngành, góp phần cùng cả nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Điểm nổi bật của năm 2019 là công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT tiếp tục được tăng cường; việc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, đặc biệt là công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải, giảm thời gian, chi phí vận tải trong logistics, bảo đảm trật tự ATGT... Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bên cạnh việc tích cực triển khai xây dựng các văn bản QPPL và đề án theo chương trình công tác đã đăng ký, Bộ đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền. Trong năm, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 văn bản QPPL, 4 đề án và hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 51 Thông tư và phê duyệt 01 đề án; chỉ đạo nghiên cứu, triển khai xây dựng nhiều đề án nhằm tăng cường kết nối, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn cả nước, tăng cường bảo đảm trật tự ATGT các lĩnh vực... 

Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, các dự án trọng điểm đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát kế hoạch đề ra. Bộ đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của Ngành như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng...; kịp thời hoàn thành 16 dự án để đưa vào khai thác, hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 dự án. Đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho các địa phương cọc mốc đền bù giải phóng mặt bằng 11 dự án thành phần của Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, qua đó kịp thời hoàn tất các thủ tục, triển khai thi công 02 dự án thành phần của Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là đoạn Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn; đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…

Về kết quả giải ngân kế hoạch, phấn đấu đến ngày 31/01/2020 (hết thời hạn giải ngân năm 2019), Bộ GTVT giải ngân được khoảng 26.700 tỷ đồng trên tổng số 30.134 tỷ đồng kế hoạch được giao, đạt khoảng 88,6% tổng nguồn vốn kế hoạch được giao trong năm. Tuy nhiên, trong tổng số các nguồn vốn kế hoạch được giao trong năm 2019, do vướng mắc trong triển khai các dự án, Bộ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm 1.341 tỷ đồng vốn nước ngoài của một số dự án ODA. Nếu không tính số vốn nước ngoài xin điều chỉnh giảm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm đạt khoảng 92,7% (26.700/28.793 tỷ đồng).

Năm 2019, chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách tăng mạnh so với năm 2018 với 1.684,12 triệu tấn hàng, tăng 9,7%; đạt 5.143,07 triệu lượt hành khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 322,158 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 248,47 tỷ HK.km. 

Tai nạn giảm sâu cả 3 tiêu chí

4
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm 2020

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, năm 2019 công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được tăng cường, triển khai hiệu quả. TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2018 từ 5 - 10%, cụ thể: cả nước xảy ra 17.626 vụ TNGT, làm chết 7.624 người, làm bị thương 13.624 người; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 939 vụ (-5,06%), giảm 587 người chết (-7,15%), giảm 934 người bị thương (-6,42%).

Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai tích cực, hiệu quả; nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết; đã tổ chức thành công các hội nghị quốc tế quan trọng do Bộ GTVT chủ trì như: Diễn đàn Liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường Khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12), Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT lần thứ 48 (STOM 48), Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 (ATM 25)...

Về công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử tiếp tục được triển khai quyết liệt, đặc biệt là việc thực hiện kết nối, gửi - nhận, xử lý văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia được nỗ lực triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; đã đưa 02 thủ tục hành chính tham gia cổng dịch vụ công quốc gia; chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (chỉ số SIPAS) đối với lĩnh vực GTVT năm 2018 đạt 85,79%, cao nhất trong 8 lĩnh vực dịch vụ được khảo sát. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bộ GTVT đứng đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong số 20 bộ, ngành. Các công tác khác về khoa học công nghệ, môi trường, thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... tiếp tục được chú trọng, tăng cường, triển khai hiệu quả.

Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Để thực hiện các mục tiêu: phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách; hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn giải ngân là 35.300,84 tỷ đồng; thực hiện Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”, quyết giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; kéo giảm UTGT tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã đề ra các giải pháp trọng tâm bao gồm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện xây dựng, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản QPPL, đề án, chiến lược, quy hoạch đã đăng ký trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu vận tải toàn ngành, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận; thúc đẩy kết nối các sàn giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ với phương thức vận tải khác để làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với lộ trình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự ATGT theo Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục UTGT; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Quốc hội, các nhiệm vụ của Bộ GTVT được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống UTGT giai đoạn 2019 - 2021 với mục tiêu tiếp tục kiềm chế, giảm TNGT từ 5 - 10% so với năm 2019 ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục UTGT trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, tiếp tục rà soát các văn bản QPPL để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn; hoàn thành phê duyệt và sớm triển khai các đề án kết nối mạng giao thông các khu vực: các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long...; bám sát chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng của ngành GTVT; tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có vốn, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia, các dự án quan trọng của Ngành; đẩy nhanh công tác thực hiện đầu tư, hoàn thành sớm và dứt điểm các dự án để đưa vào khai thác, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. 

Bộ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quá trình triển khai các dự án trọng điểm như: đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách; khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để sớm khởi công Dự án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; kịp thời giải trình với Hội đồng Thẩm định nhà nước về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để sớm trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Thứ năm, tập trung triển khai, tăng cường giám sát việc thực hiện phương án tái cơ cấu đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ quyết định thành lập; tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại, vướng mắc khi cổ phần hóa Bệnh viện GTVT, Tổng công ty Xây dựng Đường thủy - CTCP và các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2016 và từ năm 2016 đến nay.

Bộ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết sau khi chuyển giao 5 doanh nghiệp về Ủy ban theo quy định; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả Đề án Ứng dụng khoa học công nghệ ngành GTVT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT, trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Thứ bảy, tiếp tục tổ chức sắp xếp lại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo đề án, phương án được duyệt; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện Đề án tinh giản biên chế bảo đảm chỉ tiêu đã đề ra.

305cecc82960d03e8971
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

 

Ngành GTVT phải “tăng tốc” để phát triển

Năm 2019 có thể nói là một năm với nhiều thách thức đối với ngành GTVT, song với tinh thần “Đi trước mở đường”, bằng ý chí quyết tâm cao, ngành GTVT đã khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ.

Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với nhiệm vụ đột phá chiến lược, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở đó, ngành GTVT đã khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 01, số 02 năm 2020 của Chính phủ, tập trung tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế chính sách, bám sát chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.

Bộ GTVT cần tập trung vào tái cấu trúc cơ cấu vận tải cho hợp lý, lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 đối với mạng lưới đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa... đảm bảo chất lượng; tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án, trọng điểm như: Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chuẩn bị để sớm khởi công Dự án Đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... 

Bên cạnh đó, ngành GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự ATGT, giảm UTGT và TNGT.

.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận