Một điểm đỗ xe iPaking trong ngày đầu hoạt động - Ảnh: Lâm Hoài |
Theo quy định, tất cả các điểm nói trên chỉ chấp nhận cho khách gửi xe thanh toán qua thẻ tín dụng khi dùng phần mềm iPaking hoặc qua cú pháp tin nhắn điện thoại.
Thanh toán qua điện thoại
Theo đó, nếu khách thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được chấp nhận gửi xe tại điểm trông giữ. Nếu trả bằng thẻ tín dụng, khách hàng vào appstore và tải phần mềm iPaking về cài đặt theo hướng dẫn.
Nếu bằng tin nhắn, khách hàng chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp "BX IP NAP15 Mã điểm đỗ xe Biển số xe” rồi gửi đến 9029.
Những ngày đầu, tại mỗi điểm đỗ sẽ thường trực hai người phụ trách gồm một nhân viên của Công ty Quản lý khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và một nhân viên của Công ty cổ phần đầu tư CIS nhằm hỗ trợ thao tác đỗ xe, thanh toán cho khách hàng.
Tại một điểm đỗ trên phố Lý Thường Kiệt, nhân viên cho hay hầu hết khách hàng gửi xe đều chưa tải phần mềm iPaking mà chọn thanh toán qua tin nhắn điện thoại.
Khi một ôtô bốn chỗ tới điểm đỗ, sau khi hướng dẫn khách hàng đỗ vào ô quy định, nhân viên đến phổ biến về ứng dụng iPaking cho khách. Khách hàng bỡ ngỡ chốc lát, nhưng sau vài phút trao đổi, anh được hướng dẫn thao tác nhắn tin theo cú pháp nhằm thực hiện giao dịch gửi xe.
Sau khi khách hàng quay lại, nhân viên nhập liệu trên máy tính bảng và lập tức phiếu gửi được in ra. Trong phiếu ghi rõ số giờ gửi và số tiền thanh toán, tương ứng với đó là số tiền được tự động trừ trong tài khoản điện thoại khách hàng.
Các điểm đỗ xe iPaking trong ngày đầu hoạt động - Ảnh: Lâm Hoài |
Khách còn phản ứng
Một nhân viên tại điểm đỗ trên phố Lý Thường Kiệt cho biết ngày đầu tiên thí điểm nhiều khách hàng còn bỡ ngỡ, thậm chí phản ứng, cáu gắt, to tiếng với nhân viên.
“Khách hàng bực bội vì muốn thanh toán tiền mặt nhưng không được chấp thuận hoặc vội nhưng bị tốn thời gian cài đặt hay soạn tin nhắn để thanh toán...”, nhân viên này cho hay.
Trong khi đó nhân viên tại một điểm trên phố Trần Hưng Đạo kể khá tốn công sức và áp lực khi nhiều khách đỗ xe xong là quay người đi luôn theo thói quen nên nhân viên phải đuổi theo “năn nỉ” quay lại thao tác qua điện thoại để thực hiện giao dịch.
Một bất cập nữa là hiện chỉ có các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel mới được chấp nhận thanh toán.
“Sáng nay có một khách hàng dùng mạng Vietnam mobile không thao tác được buộc phải rời xe đi chỗ khác nên phản ứng ghê lắm”, một nhân viên cho hay.
Anh Trần Thế Hùng, một khách hàng gửi xe trên phố Lý Thường Kiệt, cho biết dù không phản đối hình thức đỗ xe iPaking nhưng cho rằng còn rườm rà và mất thời gian thao tác.
“Tôi nghĩ hình thức đỗ xe thông minh sẽ giúp cơ quan quản lý tốt hơn, tránh thất thoát cũng như tình trạng chặt chém. Nhưng phải cải tiến làm sao để tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho khách hàng”, anh Hùng nói.
Cũng theo anh Hùng, với việc dùng app, các điểm đỗ xe này sẽ là trở ngại lớn cho những khách hàng là người lớn tuổi, phụ nữ “mù” công nghệ nên chắc chắn thời gian đầu sẽ gặp không ít phản ứng “thiếu hợp tác” của những khách hàng này.
Thí điểm từ 1-5 đến 1-8 Công nghệ iPaking do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư CIS phối hợp triển khai. Theo đó, ứng dụng này sẽ cung cấp danh sách các điểm đỗ và số chỗ còn trống quanh khu vực người dùng muốn đỗ xe. Hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm) gồm 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe, trong đó 16 điểm đỗ cho phép đỗ xe từ 6h đến 22h, 7 ngày/tuần. Một điểm đỗ cho phép đỗ xe 24/24h, 7 ngày/tuần. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Phòng Kế hoạch, Công ty Quản lý khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho biết 17 điểm đỗ sẽ được thí điểm trong 3 tháng, từ 1-5 đến 1-8. Sau đó sẽ tổng kết và báo cáo UBND TP trước khi có được phép mở rộng quy mô hay không. |
Danh sách 17 điểm đỗ xe iPaking Trên phố Lý Thường Kiệt có 9 điểm đỗ được đánh dấu từ 001-009, gồm đoạn Phan Chu Trinh - Phan Huy Chú (từ số 2-10 Lý Thường Kiệt), đoạn Bà Triệu - Hàng Bài (từ số 36-40 Lý Thường Kiệt), đoạn Quang Trung - Bà Triệu (42 Lý Thường Kiệt), đoạn Phan Bội Châu- Quán Sứ (từ số 60-72 Lý Thường Kiệt), ngã tư Lê Duẩn - Phan Bội Châu (từ số 80-94 Lý Thường Kiệt), đoạn Phan Huy Chú - Ngô Quyền, đoạn Ngô Quyền - Hàng Bài, đoạn Quang Trung - Quán Sứ, đoạn Quán Sứ - Lê Duẩn. Trên phố Trần Hưng Đạo có 8 điểm đỗ được đánh dấu từ 010-017, gồm đoạn Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, đoạn Phan Chu Trinh - Phan Huy Chú (từ số 24-26 Trần Hưng Đạo), đoạn Ngô Quyền - Phan Chu Trinh (từ số 28-36B Trần Hưng Đạo), đoạn Hàng Bài - Ngô Quyền (từ số 40A-48A Trần Hưng Đạo), đoạn Dã Tượng - Quang Trung (từ số 107-115 Trần Hưng Đạo), đoạn Dã Tượng - Phan Bội Châu, đoạn Trần Hưng Đạo - Quang Trung, đoạn Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo (gần Viện Tim). |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.