Học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: Minh Quân |
Đổ xô vào đại học, ra trường không có việc làm, tiếp tục học lên cao, lại không xin được việc, đội quân thất nghiệp được bổ sung thêm nhiều thạc sỹ, nhất là các chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh...
Bất đắc dĩ, nhiều cử nhân, thạc sỹ phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề đào tạo, thậm chí có người phải giấu bằng cử nhân để xin làm công nhân là một thực tế chua xót về tình trạng nguồn cung nhân lực có bằng đại học, cao đẳng vượt cầu và quy hoạch đào tạo đang có vấn đề.
Mùa tuyển sinh 2016 - 2017, khoảng 30% học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT mà không đăng ký thi hoặc xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ lệ thí sinh đăng ký học nghề ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều tăng cao so với năm trước.
Tại Hà Nội, gần 16.400 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp mà không thi đại học, cao hơn năm trước 5.000 em. Ngay cả Nghệ An - miền đất có truyền thống khoa bảng, thì năm nay, số thí sinh không đăng ký thi đại học là hơn 12.100/31.700 em, chiếm tỷ lệ hơn 38%.
Đặc biệt là một số nơi tỷ lệ thí sinh chuyển hướng sang học nghề khá cao như Hòa Bình, tỷ lệ này là 70% (5.600 thí sinh trong tổng số 8.100 em), tăng 10% so với năm ngoái.
Tình trạng nhiều trường đại học, nhất là các trường tốp dưới năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi hệ thống các trường trung cấp - cao đẳng nghề, nhất là các trường có thế mạnh về đào tạo ngành Cơ khí, Điện - Điện tử, Điện lạnh, Công nghệ thông tin… lượng thí sinh đăng ký dồi dào, là câu trả lời chính xác nhất về sự thay đổi mang tính đột phá này của thí sinh trước khi quyết định lựa chọn con đường tương lai của mình. Đây được xem là tín hiệu khả quan, cho thấy tình trạng “phổ cập đại học” đã bắt đầu được khắc phục, khoảng trống của giáo dục nghề nghiệp - nơi cung cấp nguồn công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn đất nước hội nhập, cạnh tranh, ít được quan tâm, lâu nay có cơ hội phát huy thế mạnh.
Bao nhiêu vạn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là chừng ấy ước mơ, kỳ vọng của sinh viên, phụ huynh bị dập tắt. Đó là sự lãng phí không nhỏ thời gian, tiền bạc, công sức của người học, gia đình và xã hội. Đặt trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển, rất cần nguồn nhân lực trình độ cao thì sự lãng phí này thật khó chấp nhận.
Tự thấy mình không có khả năng học đại học, chọn các trường nghề để theo học ngay từ đầu là quá trình tự ý thức của giới trẻ. Đó là kết quả tích cực của công tác phân luồng sau trung học phổ thông. Đồng thời là minh chứng cho những chi phối mang tính quy luật của nền kinh tế thị trường. Tỷ lệ người có việc làm, sự chu chuyển thị trường lao động sẽ quyết định việc lựa chọn của giới trẻ.
Không chỉ là các trung tâm kinh tế lớn, ngay như tại Nghệ An, mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của tỉnh đào tạo từ 19.000- 20.000 sinh viên, số sinh viên ra trường chưa có việc làm hiện khoảng 20 nghìn người.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI phải chấp nhận tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đưa đi đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc cho mình, đã tác động không nhỏ đến con số hơn 38 % thí sinh năm nay quyết định không thi vào đại học, cao đẳng, vì họ không muốn phiêu lưu khi chưa biết tương lai sẽ ra sao sau 4 năm học đại học.
Thay đổi quan niệm học tập và việc làm vốn đã ăn sâu trong tâm thức mỗi người là điều khó thực hiện trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, những chuyển biến trong việc lựa chọn giữa học nghề và học đại học của hơn 30% thí sinh trên cả nước trong năm nay là tín hiệu đáng mừng trong giới trẻ cần được cổ vũ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.