Nghịch lý bến xe khách ở Quảng Nam: Giải pháp nào "hồi sinh" bến xe?

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 19/05/2023 04:58

Trước thực trạng bến xe khách "sống dở, chết dở", "có cũng nhưng không", Quảng Nam đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tổ chức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn tại địa phương.

bến xe Quảng Nam
Nghịch lý bến xe khách ở Quảng Nam: Giải pháp nào "hồi sinh" bến xe? - Ảnh 1.

Bến xe Tam Kỳ nằm gần trung tâm nhưng hoạt động không hiệu quả nhiều nằm qua

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thông tin, tháng 8/2022, Sở GTVT Quảng Nam đã có quyết định chấm dứt hoạt động bến xe khách Hội An. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 17 bến xe khách; trong đó có 1 bến xe loại 2, 3 bến xe loại 4, 2 bến xe loại 5, 10 bến xe loại 6 và 1 bến xe thấp hơn loại 6.

Theo Sở GTVT Quảng Nam, trong giai đoạn 2020-2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh hoạt động vận tải bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách (xe cố định liên tỉnh, cố định nội tỉnh, xe buýt,…) đa số ngừng hoạt động, hoạt động gián đoạn, ngưng trệ do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên các các bến xe khách cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách bắt đầu phục hồi và các bến xe khách cũng đã hoạt động kinh doanh trở lại nhưng chưa phục hồi như cũ.

Ông Lê Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 bến xe khách, tuy nhiên, số tuyến vận tải và số lượt hành khách đi lại còn ít (45 tuyến/17 bến xe), nhiều bến xe chỉ có 1-2 tuyến hoạt động. Nguyên nhân do hiệu quả khai thác tuyến quá thấp nên các đơn vị không đăng ký khai thác đầu tư và đang có hiện tượng ngày càng giảm khai thác tuyến cố định để chuyển sang chạy hợp đồng có nhiều thuận lợi, hiệu quả hơn.

Dẫn đến các bến xe khách đều chung tình trạng thu không đủ bù chi phí, nên không đảm bảo chi phí hoạt động phục vụ khai thác, quản lý bến và đảm bảo duy trì các điều kiện, tiêu chí kỹ thuật theo quy định, vì thế hoạt động của các bến xe gặp rất nhiều khó khăn.

"Mặt khác, hầu hết các đơn vị quản lý, khai thác bến xe là cơ quan chuyên môn cấp huyện (Phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc Ban Quản lý dự án, Ban Quản lý đô thị) nên việc tập trung cho nghiên cứu, khai thác, điều hành hoạt động của bến xe vẫn còn bất cập; hạn chế về chuyên môn, chấp hành pháp luật liên quan hoạt động của bến xe. Thêm nữa, hiện nay quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với hoạt động của các bến xe còn chưa đầy đủ; chưa có chế tài xử phạt đối với bến xe khách không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng theo quy định", ông Hiếu nhìn nhận.

Trước thực trang này, theo ông Hiếu, Sở GTVT Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc" ảnh hưởng đến hoạt động bến xe. Thanh tra Sở GTVT tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, nhất là các vi phạm như: Xe chạy tuyến cố định nhưng không vào bến xe, không có lệnh vận chuyển hoặc có lệnh vận chuyển nhưng không có xác nhận của bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến; xe vận chuyển khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển, không có danh sách hành khách, chở người không có tên trong danh sách hành khách, ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách,...

Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải theo Nghị định 10. Cung cấp thông tin các đơn vị, phương tiện được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu đến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và đến các xã phường để tăng cường phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Qua đó, tăng cường giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các phương tiên vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Năm 2022, Sở GTVT Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kinh doanh bến xe khách trên địa bàn (đối với địa phương trực tiếp quản lý bến xe) khẩn trương, nghiêm túc khắc phục các thiếu sót, hoặc chưa đúng quy định. Sở GTVT cũng tăng cường kiểm tra, hỗ trợ đầu tư khai thác tuyến vận tải đối với các bến xe do các địa phương, doanh nghiệp quản lý, đầu tư, khai thác nhằm duy trì hoạt động phục vụ nhân dân.

Nghịch lý bến xe khách ở Quảng Nam: Giải pháp nào "hồi sinh" bến xe? - Ảnh 2.

Bến xe Bắc Quảng Nam nằm trên QL1 cửa ngõ phía Bắc thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam

Chính quyền địa phương vào cuộc

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, mặc dù bến xe khách huyện Nam Trà My hoạt động không hiệu quả, tuy nhiên không phải vì thế mà xóa bỏ bến xe. UBND huyện Nam Trà My đã triển khai nhiều cuộc họp bàn về bến xe và thống nhất di dời, quy hoạch bến xe về đối diện Trung tâm lễ hội sâm Ngọc Linh.

"Vấn đề khó khăn nhất để thực hiện chủ trương này là nguồn vốn, vì để xây dựng bến xe ở đây phải thực hiện bồi thường, san lấp mặt bằng sẽ tốn nhiều kinh phí. Trong khi đó nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp, nên chưa thể triển khai thực hiện", ông Dũng nói.

Còn ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, chính quyền địa phương đã thấy rõ vấn đề khó khăn của bến xe khách Bắc Trà My lâu nay. Để tháo gỡ khó khăn, huyện đã thay đổi đơn vị quản lý bến xe, từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng sang cho Ban Quản lý dự án, vừa đúng với thẩm quyền, chức năng, vừa tạo điều kiện để "hồi sinh" bến xe.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn và TP. Tam Kỳ, hiện các bến xe trên địa bàn do doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành, vì vậy, để bến xe hoạt động hiệu quả, ngoài việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Sở GTVT, thì cần sự đổi mới mạnh mẽ từ đơn vị doanh nghiệp. Bến xe có đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý bến xe, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị kinh doanh vận tải và xem các đơn vị vận tải là đối tác, khách hàng.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hệ thống bến xe trên địa bàn Quảng Nam được thực hiện, phát triển theo quyết định quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Trước thực trạng hiện nay, ông Quang cho hay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện quyết định số 542 của Bộ GTVT về công bố điều chỉnh, bổ sung danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tập trung kiểm tra, đôn đốc, đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác bến xe trên địa bàn tiếp tục duy trì việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các bến xe theo tiêu chuẩn hiện hành. Kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các bến xe theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các bến xe khách để góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô. Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT, các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn đối với các bến xe khách và xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị vi phạm. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe trá hình, "xe dù", "bến cóc" ảnh hưởng đến hoạt động các bến xe khách.

"Để có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bến xe, UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động các đơn vị kinh doanh bến xe khách trên địa bàn. Đối với bến xe tạm dừng hoạt động do hết thời hạn, không đảm bảo các tiêu chí quy định đề nghị địa phương chỉ đạo đơn vị quản lý bến xe phải có văn bản báo cáo về Sở GTVT Quảng Nam công bố chấm dứt hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương rà soát, đầu tư, nâng cấp đảm bảo tiêu chí, kỷ thuật, mỹ quan; đánh giá tình hình hoạt động của các bến xe và có đề xuất cụ thể với UBND tỉnh Quảng Nam xem xét chỉ đạo, tổ chức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn tại địa phương", ông Quang nói.