Khu vực cổng chính của Bến xe Miền Đông hiện có nhiều hành khách là sinh viên đã tranh thủ về trước khi giá vé tăng |
Người dân thất vọng chờ giảm giá
Những ngày cuối năm, nhiều người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn Tp.HCM đều mong mỏi chờ đợi các thông báo giá vé từ các doanh nghiệp, cũng như tại 2 bến xe lớn như bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây. Tuy nhiên, mức tăng phụ thu 60% tại các bến xe vẫn giữ nguyên vào các ngày cao điểm cuối năm. Theo quan sát của phóng viên, đa số người dân đến mua vé đều thắc mắc về việc giá xăng dầu giảm liên tục, tuy nhiên mức giá mỗi vé đều tăng từ 40% đến 60%.
Chị Nguyễn Thị Nga, quê ở Thừa Thiên Huế đến khu vực bán vé của một doanh nghiệp chạy tuyến TP. HCM đi Huế. Khi đến đây, chị cứ ngỡ năm nay giá xăng dầu giảm nên nghĩ rằng giá vé sẽ rẻ hơn mọi năm. Tuy nhiên, chị ngỡ ngàng khi thấy giá vé tăng từ 500.000 đồng/người của ngày thường, và hiện tại là 803.000 đồng.
Nhiều người dân vẫn trông chờ giá vé xe giảm theo giá dầu |
Tại khu vực bán vé của bến xe Miền Đông, từ ngày 21/1 giá vé xe Tết của nhiều doanh nghiệp tăng lên đến 60%. Và những ngày qua lượng người dân vẫn đến mua đông hơn. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tự tổ chức bán vé, khách đến mua rất đông. Nhiều doanh nghiệp đã treo biển hết vé, tuy nhiên một số khách được tư vấn là nếu xuống bãi xe của nhà xe để đi thì vẫn còn.
Bên cạnh đó, nhiều hãng xe đã công khai giá vé phụ thu và so sánh với ngày thường để thông tin cho người dân biết. Cụ thể, công ty vận tải Minh Phương chạy tuyến TP. HCM đi Huế tăng giá vé từ 527.000 đồng lên 632.000 đồng (tăng 20%) từ ngày 21/1 đến 25/1; lên 717.000 đồng (tăng 40%) từ ngày 26/1 đến 28/1; và lên 803.000 đồng (tăng 60%) từ ngày 29/1 đến ngày 7/2. Giá vé đã bao ăn hai buổi trên đường vận chuyển.
HTX vận tải Sông Gianh từ bến xe Miền Đông đi Quảng Bình tăng giá vé dao động tùy loại xe thường hay cao cấp, tuyến đường là: Từ 967.000 đồng lên 1.000.000 đồng từ ngày 21/1 đến 25/1; lên 1.200.000 đồng từ ngày 26/1 đến 28/1; và lên 1.450.000 từ ngày 29/1 đến ngày 7/2.
Ngoài ra, các hãng xe vận chuyển khách đi các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bìa Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… tăng giá vé phụ thu cao nhất lên 60%, tức là tăng thêm đến 500.000 đồng so với ngày thường.
Nhiều lý do để “né” giảm giá vé
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, bắt đầu từ 21/1, các đơn vị vận tải áp dụng mức phụ thu giá vé Tết. Lí do việc phụ thu đến 60% giá vé là nhà xe phải thuê thêm xe chạy bên ngoài tăng cường phục vụ hành khách dịp Tết để bù chi phí cho chiều chạy rỗng tuyến đường và ngày phục vụ, khuyến khích xe quay đầu rước khách và kích thích các doanh nghiệp đưa xe tăng cường vào hoạt động.
Ông Hải còn cho biết thêm: Hằng năm bến xe Miền Đông và các nhà xe cũng họp bàn về mức phụ thu, đã có sự thống nhất các cơ quan liên quan và đã đồng ý chứ không phải đến ngày hôm nay mới tăng phụ thu. Còn việc xăng giảm giá mới đây đó là việc của cơ quan quản lý, không liên quan đến việc tăng phụ thu giá xe dịp Tết.
Giá vé về Đà Nẵng tại Bến xe Miền Đông tăng 60% từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 12, Âm lịch |
Thông tin từ bến xe Miền Tây cũng cho biết thêm, việc giảm giá vé đã được đưa ra trong kế hoạch phục vụ Tết Nguyên Đán của bến. Tại đây, bến xe cũng đã đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng mức phụ thu và thời điểm phụ thu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016 hợp lý, nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi của hành khách và bù đắp chi phí cho đơn vị vận tải, khuyến khích xe quay vòng nhanh tham gia giải tỏa hành khách. Về mức phụ thu và thời điểm phụ thu giá vé chiều xe chạy rỗng trong dịp Tết Nguyên đán tại Bến xe Miền Tây. Qua thống kê, vào dịp Tết Nguyên đán các năm qua các đơn vị vận tải áp dụng mức phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết). Nhằm điều động xe phục vụ tốt hành khách đi lại vào ngày chồng lấn chưa phụ thu giá vé. Bến xe cũng đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng phương án kê khai vé dự phòng với mức phụ thu hợp lý để áp dụng vào chiều ngày 03/02/2016 ( tức 25/12 âm lịch)
Như vậy, lý do mà các doanh nghiệp và bến xe đưa ra là do giá vé phụ thu và việc tăng giá đã được thống nhất từ trước. Như vậy với việc giá dầu giảm, thì thắc mắc của người dân là điều không thể tránh khỏi. Nếu các doanh nghiệp tiến hành giảm giá vé cho phù hợp với giá dầu hiện hữu, sau đó áp dụng giá vé phụ thu cho một lượt hành trình là đúng đắn nhất, và hợp lý nhất.
Xét về kế hoạch tăng giá vé của các bến xe hiện nay thì các doanh nghiệp đều tăng giá vé không quá 60%. Tức là các doanh nghiệp có thể tăng thoải mái từ 20% đến 60%, như vậy thì các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ chọn phương án tăng giá vé lên mức cao nhất. Và cuối cùng, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân. Đặc biệt trong dịp lễ tết, đa số những người dân đến mua vé, đặt vé đều là những người lao động nghèo và làm ăn xa quê.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.