PGS. TS. VŨ TRỌNG TÍCH Trường Đại học Giao thông vận tải |
TÓM TẮT: Công tác tuyển sinh của các trường đại học đang thay đổi theo hướng tăng tính độc lập của các trường, tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Do vậy, tính cạnh tranh trong tuyển sinh của các trường cũng bắt đầu xuất hiện. Bài báo trên cơ sở xem xét các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học, chỉ ra các nội dung quan hệ công chúng trong công tác tuyển sinh của các trường đại học.
TỪ KHÓA: Quan hệ công chúng, nội dung quan hệ công chúng, tuyển sinh.
ABSTRACT: Examination entrance of Universities has changed for more independence and increases the choices of candidates. There gove, the competiverness gomong Universities is beginning to emerge. Based on the consideration ò learner satigaction, the paper will examine public relations in examnition entrance of Universities.
KEYWORDS: Public relation, contents of public relation, enrollment.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xu hướng thay đổi trong công tác tuyển sinh của các trường đại học hiện nay đã đặt cơ sở cho sự xuất hiện của tính cạnh tranh giữa các trường trong công tác này. Hệ quả là các trường, trong thời gian gần đây đã đẩy mạnh hoạt động quan hệ công chúng nhằm thu hút người học. Hoạt động quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học sử dụng các hình thức của quan hệ công chúng nói chung, tuy nhiên nội dung của hoạt động này chưa có sự thống nhất, chưa được làm rõ về khía cạnh lý luận. Nội dung bài báo góp phần giải quyết các vấn đề này.
2. NỘI DUNG
2.1. Khái niệm quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học
Có nhiều định nghĩa về quan hệ công chúng. Theo học giả Frank Jefkins thì quan hệ công chúng bao gồm tất cả các hình thức giao tiếp được lên kế hoạch cả bên trong và bên ngoài tổ chức, giữa một tổ chức và công chúng của nó nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể liên quan đến sự hiểu biết lẫn nhau. Hay theo Viện Quan hệ công chúng Anh thì quan hệ công chúng là những nỗ lực được hoạch định và thực hiện bền bỉ nhằm mục tiêu hình thành và duy trì mối quan hệ thiện cảm và thông hiểu lẫn nhau giữa một tổ chức và công chúng của nó.
Các định nghĩa về quan hệ công chúng có thể có cách diễn đạt khác nhau nhưng đều có nội hàm bao gồm: Tính có kế hoạch của các hoạt động; mục đích của các hoạt động là hình thành và duy trì sự hiểu biết lẫn nhau giữa một tổ chức và công chúng của nó. Trên cơ sở đó xin đề xuất định nghĩa quan hệ công chúng trong công tác tuyển sinh của các trường đại học như sau:
Quan hệ công chúng trong công tác tuyển sinh của các trường đại học là hoạt động lên kế hoạch và nỗ lực thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa trường đại học với các thế hệ sinh viên của nhà trường, với các thí sinh tiềm năng cũng như gia đình họ nhằm thực hiện tốt công tác tuyển sinh của nhà trường.
Như vậy, quan hệ công chúng trong công tác tuyển sinh của các trường đại học không phải là “tạo hình ảnh hay danh tiếng của tổ chức” mà là giúp cho xã hội hiểu đúng, đầy đủ về những điều tốt đẹp mà nhà trường đang thực hiện, sẽ thực hiện và điều đó sẽ mang lại danh tiếng cho nhà trường. Quan hệ công chúng không tự gắn hình ảnh cho nhà trường một cách chủ quan, mà bắt đầu bằng sự thật và chỉ ra mối liên quan giữa hình ảnh và sự thật đó.
2.2. Các hình thức quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học
Quan hệ công chúng trong hoạt động tuyển sinh của các trường đại học cũng sử dụng các hình thức như quan hệ công chúng khác và bao gồm: Quan hệ công chúng nội bộ và quan hệ công chúng cộng đồng.
- Quan hệ công chúng nội bộ: Quan hệ công chug nội bộ là các hoạt động nhằm thiết lập, xây dựng và phát triển những mối quan hệ có lợi giữa các nhân viên và tổ chức. Để thực hiện quan hệ công chúng nội bộ có sử dụng các phương tiện in ấn gồm các xuất bản phẩm nội bộ, báo chí nội bộ, các bài phát biểu, các thông báo…; các phương tiện giao tiếp như truyền miệng, tổ chức họp, các phát biểu miệng; tổ chức các sự kiện nội bộ như tổ chức hội nghị, các hoạt động gặp mặt và giao lưu nội bộ, tổ chức lễ phát động phong trào thi đua, các hoạt động văn nghệ thể dục, thể thao…; xây dựng văn hóa trong tổ chức. Bằng quan hệ công chúng nội bộ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong nội bộ công ty đồng thời tăng cường hình ảnh của tổ chức đối với xã hội.
- Quan hệ công chúng cộng đồng: Quan hệ công chúng cộng đồng là một quy trình nhằm tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng thông qua những nét tích cực được trình bày theo một phong cách thích hợp, dựa trên quá trình truyền thông cùng thỏa mãn hai chiều. Để thực hiện quan hệ công chúng cộng đồng có thể sử dụng các phương tiện báo chí, như báo viết, báo nói, báo truyền hình, báo mạng điện tử và mục đích của quan hệ công chúng cộng đồng là tạo dư luận xã hội và truyền thông tới công chúng.
2.3. Nội dung của quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học
Quan hệ công chúng giúp cho xã hội hiểu đúng, đầy đủ về những điều tốt đẹp mà nhà trường đang thực hiện, sẽ thực hiện và điều đó tác động đến quá trình lựa chọn trường thi tuyển của các thí sinh. Do vậy, cần làm rõ công chúng của các trường đại học cần hiểu những vấn đề gì về nhà trường. Các vấn đề này gắn liền với những đòi hỏi của người học đối với nhà trường và khả năng thỏa mãn những đòi hỏi đó từ phía nhà trường, nghĩa là các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học.
2.3.1. Các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học
Theo G.V. Diamantis và V.K.Benos (2005) thì sự hài lòng tổng thể của sinh viên trong quá trình học tập tại trường được hình thành từ 4 yếu tố cơ bản là yếu tố đào tạo, yếu tố hữu hình, yếu tố hỗ trợ hành chính và hình ảnh của của khoa. Cấu trúc, thứ bậc của 4 yếu tố này thể hiện ở Hình 2.1.
Hình 2.1: Cấu trúc thứ bậc của các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học |
2.3.2. Nội dung của hoạt động quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học
Hoạt động quan hệ công chúng phục vụ công tác tuyển sinh của trường đại học phải làm cho công chúng hiểu rõ được hình ảnh thực của các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học mà nhà trường đang có, sẽ có trong thời gian tới. Các hình ảnh này sẽ tác động vào quá trình lựa chọn của thí sinh khi quyết định thi tuyển vào một trường cụ thể nào đó. Từ các yếu tố được đề cập ở trên có thể chỉ ra các nội dung cần hướng tới trong hoạt động quan hệ công chúng gồm:
- Chương trình đào tạo: Mục tiêu, tính cập nhật về nội dung của chương trình đào tạo; tính hệ thống và sự hợp lý trong phân bổ lý thuyết và thực hành; khả năng liên thông của chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp của chương trình đào tạo…
- Học phần: Chất lượng đề cương học phần thể hiện ở nội dung của đề cương, tính liên kết giữa các học phần, tính thực tiễn và tính đúng mục tiêu của các học phần, mức độ cung cấp các kỹ năng cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp; mức độ phong phú và chất lượng của giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho từng học phần.
- Đội ngũ giảng viên: Thể hiện ở số lượng và chất lượng của đội ngũ giảng viên cơ hữu, như: Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ cao; các kiến thức chuyên môn được giảng dạy; phương pháp giảng dạy và kỹ năng truyền đạt của giảng viên; khả năng ứng dụng công nghệ và khả năng liên hệ với thực tiễn; tính thân thiện với người học và tính đúng mực trong ứng xử; biết hướng dẫn người học các phương pháp học mới...
- Đánh giá kết quả học tập: Thể hiện ở phương pháp đánh giá và các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của người học. Ở đây cần tập trung vào tính khoa học, khả năng đảm bảo tính khách quan và tính không phức tạp trong thực hiện của phương pháp nghiên cứu; tính cụ thể, tính chính xác, tính công bằng trong kết quả của các tiêu chí đánh giá được áp dụng.
- Thư viện: Sự đầy đủ của thư viện, của giáo trình bài giảng phục vụ người học, tính phù hợp của không gian thư viện và giờ mở cửa của thư viện; thư viện điện tử; tính thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ do thư viện cung cấp.
- Cơ sở vật chất: Tính đầy đủ và hiện đại của các phòng học, phòng thí nghiệm và thực hành, phòng tự học, nhà thi đấu, trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, hệ thống internet wifi, môi trường cảnh quan của nhà trường…; thời gian phục vụ của các yếu tố trên.
- Chất lượng phục vụ của bộ phận hành chính trong nhà trường, bao gồm: Sự đầy đủ của các dịch vụ mà nhà trường cung cấp cho người học; độ tin cậy của các dịch vụ được cung cấp; tốc độ xử lý các công việc; kiến thức và mức độ thân thiện của cán bộ phục vụ như nhân viên của các phòng ban, thư viện, các văn phòng khoa...
- Khả năng của khoa, bộ môn trong giới thiệu người học đi thực tập, kiến tập cũng như giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; khả năng tìm kiếm học bổng cho sinh viên từ các nhà tài trợ là các doanh nghiệp và các đơn vị khác;
- Các hoạt động định hướng nghề nghiệp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… do nhà trường, khoa và các bộ môn tổ chức.
3. KẾT LUẬN
Các yếu tố tạo nên sự hài lòng của người học, một cách khái quát, gồm đào tạo, hữu hình, hỗ trợ tài chính, hình ảnh của khoa. Do vậy, nội dung mà quan hệ công chúng trong tuyển sinh của các trường đại học cần hướng tới cũng chính là các yếu tố trên mà nhà trường đang có, sẽ có. Các yếu tố này được chi tiết hóa ra gồm: Chương trình đào tạo, học phần, đội ngũ giảng viên, đánh giá kết quả học tập, thư viện, cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, khả năng của khoa, các hoạt động định hướng nghề nghiệp, các hoạt động văn thể.
Nhiệm vụ của hoạt động quan hệ công chúng phục vụ công tác tuyển sinh của các trường đại học là từ các chất liệu nêu trên xây dựng nên hình ảnh thật của nhà trường và truyền hình ảnh này tới công chúng. Những hình ảnh này sẽ thu hút người học đến với nhà trường.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bùi Ngọc Ánh và Đào Thị Hồng Vân (2013), Khảo sát sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội”, NCKH, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
[2]. Nguyễn Kim Dung, TS. Phạm Xuân Thanh (9/2003), Về một số khái niệm thường dùng trong Đảm bảo chất lượng Giáo dục đại học, Tạp chí Giáo dục, số 66.
[3]. Nguyễn Thị Thắm (2010), Khảo sát sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh”.
[4]. Quyết định ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường cao đẳng, số 08/VBHN-BGDĐT, 4/3/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.