Phụ huynh hoang mang khi phương án tuyển sinh lớp 6 của một số trường THCS công lập được liên tục thay đổi. Ảnh học sinh đăng ký thi lớp 6 vào trường Nguyễn Tất Thành năm 2014: Quý Đoàn. |
Ngày 23/5, chị Quỳnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được gửi cho văn bản đóng dấu đỏ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, thông báo thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 6 trường THCS Cầu Giấy. Trường được đánh giá hot nhất quận này sẽ tuyển sinh bằng xét tuyển, không kiểm tra đánh giá năng lực như thông báo một tuần trước đó (ngày 15/5). Lý do là "để có thời gian chuẩn bị đầy đủ ngân hàng đề phục vụ kiểm tra đánh giá năng lực".
Người mẹ có con sắp vào học lớp 6 từ sững người, chuyển sang tức giận. Đầu tháng 4, Sở Giáo dục mới ra thông báo cho một số trường trong đó có THCS Cầu Giấy được tuyển sinh vào lớp 6 bằng kiểm tra đánh giá năng lực, thay vì xét tuyển, khi chỉ còn gần 2 tháng sẽ đến ngày tổ chức kiểm tra. Giữa tháng 5, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chính thức thông tin trường Cầu Giấy sẽ xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh.
"Vậy mà giờ họ lại nói không tổ chức kiểm tra nữa. Các nhà quản lý cứ thay đổi xoành xoạch, khiến phụ huynh, học sinh đứng ngồi không yên", người mẹ nói.
Từ cuối năm lớp 4, chị Quỳnh cho con học gia sư và tham gia một số cuộc thi về Toán, tiếng Anh để được ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6 THCS Cầu Giấy, khi trường này áp dụng phương án xét tuyển học bạ. Sau khi có thông báo đổi phương thức, phụ huynh lại tất tưởi tìm lớp luyện cấp tốc rồi một tuần 3 buổi tối đưa con đến học để làm quen với hình thức kiểm tra đánh giá năng lực.
"Trường tuyển vài trăm học sinh mà có cả nghìn em đăng ký, nếu không học thêm thì sao có cơ hội đỗ", người mẹ giải thích. Chị cho rằng, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và quận Cầu Giấy không đột ngột thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 6, con chị và nhiều học sinh lứa "heo vàng" khác hơn một tháng qua đã không phải tối ngày cấp tốc đi học thêm nữa.
Ngoài tâm lý ổn định, các gia đình cũng không bị tốn kém vài triệu đồng chi cho các khóa học làm quen với đề kiểm tra đánh giá năng lực. Học phí của khóa 24 buổi/một tổ hợp môn ở trung tâm học thêm mà con chị Quỳnh theo có giá 8 triệu đồng. Khóa cấp tốc gồm 16 buổi/tổ hợp có chi phí là 5,4 triệu đồng (khoảng 180.000 đồng/buổi học) áp dụng với một giáo viên dạy 3 học sinh. Nếu một giáo viên kèm một học sinh, học phí là 380.000 đồng cho một buổi kéo dài 90 phút.
Các phụ huynh có con dự kiến vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng bức xúc khi mới được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo trường dự kiến tuyển sinh bằng xét học bạ. Trước đó, hệ THCS của trường Ams có tên trong danh sách 16 cơ sở giáo dục được kiểm tra đánh giá năng lực.
"Những việc liên quan đến tương lai, thi cử của các con, cấp quản lý nên thống nhất và có phương án sớm, đừng để trẻ trở thành nạn nhân của những thay đổi", chị Thúy, có con vào lớp 6 năm học 2018-2019 nói.
Trả lời báo chí về phương án tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển của trường Hà Nội - Amsterdam, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đây là đề xuất từ nhà trường, chưa được cấp trên phê duyệt. Hình thức này, được trường Hà Nội - Amsterdam áp dụng 3 năm qua và đảm bảo chất lượng xét tuyển, nên có thể duy trì cho năm học 2018-2019. Sau khi được thành phố phê duyệt, trước ngày 31/5, Sở mới thông báo phương án tuyển sinh vào lớp 6 trường Ams.
Phương án tuyển sinh lớp 6 của 8 trường THCS công lập được cho phép tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, theo vị lãnh đạo trên, vẫn chưa được quận huyện phê duyệt.
Ngày 8/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019. Theo đó, 16 trường có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Phương án tuyển sinh của các trường này, phải trình UBND quận/huyện phê duyệt. Cụ thể, 10 trường THCS công lập được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 gồm: THCS Cầu Giấy; hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam; THCS Nam Từ Liêm; THCS Chu Văn An (Thanh Trì); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh), THCS Sơn Tây, THCS Thanh Xuân. 6 trường ngoài công lập cũng được áp dụng phương thức tuyển sinh trên gồm: Marie Curie; Nguyễn Siêu; Đoàn Thị Điểm; Lương Thế Vinh; Lomonoxop; Nguyễn Tất Thành. Thí sinh của các trường này phải làm hai bài kiểm tra là: bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội - tiếng Việt - tiếng Anh. Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu ở lớp 5. Hình thức kiểm tra là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài kiểm tra đánh giá bốn cấp độ nhận thức của người học là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Có hai đợt kiểm tra, đánh giá năng lực vào các trường THCS chất lượng cao, ngoài công lập đông thí sinh đăng ký, đợt một vào ngày 29/6 và đợt hai vào ngày 30/6. Từ ngày 10/7 đến hết ngày 12/7, các trường triển khai tuyển sinh. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.