Nghiên cứu quản lý giờ làm thêm của sinh viên

04/01/2020 15:25

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao các bộ nghiên cứu bổ sung quy định quản lý việc làm thêm của sinh viên, đặc biệt là làm tài xế công nghệ.

sinh-vien-8738-1577965026
Tài xế xe ôm công nghệ đứng chờ khách trên đường Láng, Hà Nội chiều 2/1. Ảnh: Hoàng Phương

Ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về việc quản lý nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng để kết nối kinh doanh vận tải.

Xét đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng giao các bộ và địa phương xem xét nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và công việc khác nói chung nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển kinh tế tri thức.

Văn bản nêu rõ trước mắt, các bộ, địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe công nghệ có chính sách giảm thời gian làm việc của lao động là sinh viên, rút ngắn thời gian làm thêm. Các trường đại học, cao đẳng cần nghiên cứu biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động sinh viên làm thêm với thời lượng hợp lý để bảo đảm sức khỏe học tập và nghiên cứu.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một nghiên cứu độc lập cho thấy hiện có hơn 300.000 tài xế công nghệ làm việc trong các công ty áp dụng nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng kết nối kinh doanh vận tải, trong đó số tài xế là sinh viên khá lớn do việc này dễ dàng. Tuy nhiên, sinh viên làm tài xế công nghệ 10-14 tiếng mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, tác động tiêu cực đến sự phát triển bản thân và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao.

Đồng tình với đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình là kịp thời và cần thiết. Đi làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên và đang phổ biến, nhất là ở các trường đào tạo tín chỉ, sinh viên có thể tự sắp xếp kế hoạch học tập. Thế nhưng nó cũng đem lại nhiều rủi ro về sức khỏe, học tập và rèn luyện.

Hiện Việt Nam chưa có quy định cứng về giờ làm thêm trong tuần của sinh viên như ở một số quốc gia. Ông Linh cho rằng trước hết cần bổ sung cơ sở pháp lý, có quy định cụ thể về giờ làm thêm của sinh viên, tiếp cận trên nhiều chủ thể như: sinh viên có nhu cầu làm thêm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển sinh viên, điều kiện an toàn lao động, cơ quan kiểm soát việc chi trả tiền lương.

"Sinh viên làm thêm phần lớn nhận thù lao trực tiếp bằng tiền mặt nên khó kiểm soát việc chi trả thù lao", ông Linh nói và cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các bộ liên quan như Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp nghiên cứu quy định cụ thể nhằm quản lý tốt hơn hoạt động làm thêm của sinh viên cũng như việc tuyển dụng các vị trí làm thêm của doanh nghiệp.

TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên (Đại học Mỏ - Địa chất), cho rằng nếu ban hành luật hạn chế thời gian làm thêm của sinh viên, cái khó là làm sao không chồng chéo lên những luật đã có vì sinh viên đủ 18 tuổi, được quyền đi làm để chi trả sinh hoạt, cuộc sống cá nhân. "Nếu ra luật, đối tượng tác động chính phải là doanh nghiệp, chủ lao động chứ không phải là sinh viên. Luật cần chỉ rõ cơ sở tuyển dụng không được phép dùng lao động là sinh viên quá bao nhiêu giờ, vượt quá thì bị xử phạt ra sao", ông Thành nói.

Hiện, Đại học Mỏ - Địa chất quản lý sinh viên đi làm thêm thông qua phần mềm đăng ký giấy xác nhận sinh viên. Giấy này được dùng để nộp hồ sơ nghĩa vụ quân sự, làm thẻ xe bus, đăng ký xe máy và đi làm thêm "những việc chính thống". Ông Thành giải thích những công việc chính thống thường liên quan đến tài chính, tiền bạc như thu ngân, kế toán, quản lý kho, quản lý tài sản, được yêu cầu làm hồ sơ và hợp đồng lao động đầy đủ. Nếu xảy ra thất lạc, mất an ninh, chủ lao động cần nắm được lý lịch của nhân viên để truy xuất. Khi đó, trường sẽ hỗ trợ sinh viên về tư cách pháp lý và cùng cơ sở lao động giải quyết.

Ông Thành thừa nhận việc quản lý việc làm thêm của sinh viên thông qua hoạt động xin xác nhận chỉ được một phần nhỏ vì trường học không thể giám sát sinh viên đi đâu, làm gì ngoài giờ học. Đại học Mỏ - Địa chất xử lý vi phạm theo từng kỳ. Những sinh viên có thành tích học tập kém, nhà trường sẽ hạ số lượng tín chỉ để cảnh báo và thông báo về gia đình.

"Để sinh viên tập trung học, không sa đà làm thêm và bảo vệ các em trong quá trình đi làm, tôi nghĩ gia đình cần đồng hành với nhà trường trong việc quản lý, chia sẻ và động viên các em", ông Thành nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận