Ngư dân cần lưu ý khi lao động trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông toàn cầu 24/05/2021 06:13

Hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn cho người và tàu cá trên biển, ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành và sử dụng, đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; đồng thời, ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam.


 

bna_108346870_882020
Ảnh minh họa

 

Vấn đề an toàn lao động nghề biển hiện nay ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc tai nạn, sự cố trên biển vẫn là do thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, an toàn sinh mạng, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận bà con ngư dân chưa cao.
Những tai nạn, sự cố thời gian gần đây xảy ra đối với các tàu cá và bà con ngư dân trên biển Việt Nam thường là tàu hỏng hóc kỹ thuật, trôi dạt trên biển, tàu bị thủng vỏ, đâm va với tàu biển, cháy nổ do bình ga, ngư dân bị tai nạn trong quá trình lao động sản xuất trên biển…
Điều tra nguyên nhân dẫn đến các tai nạn, sự cố chủ yếu là từ chủ quan của ngư dân. Đó là việc vi phạm các quy định về an toàn trên biển như không mang áo phao, pháo cứu sinh, máy thông tin liên lạc, đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động, công tác trực canh, cảnh giới trên biển không thực hiện tốt…
Nhiều tàu có vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị trên tàu quá cũ. Do thiếu sự quan tâm đầu tư, nhiều tàu đã đại tu quá nhiều lần, không đảm bảo an toàn vẫn được đưa ra khơi hoạt động nên tỷ lệ rủi ro rất cao. Nhiều tàu thuyền không được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm xa nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phát đi thông tin khi gặp nạn. Phần lớn các tàu cá hiện nay mới được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm ngắn vì vậy khi thời tiết xấu, biển động, sóng lớn thì việc liên lạc giữa các tàu sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố trong quá trình hoạt động tại ngư trường, bên cạnh sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá khi làm việc trên biển thì chính ngư dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ chính mình mỗi khi ra khơi. Những năm gần đây, nhiều địa phương duyên hải trong cả nước có nghề cá phát triển đã thành lập và duy trì hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, đặc biệt là thành lập các tổ, đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như cùng nhau xử lý tai nạn, sự cố, cung cấp trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường... Nhiều địa phương tổng kết cho thấy, các tổ, đội này đã phát huy tốt hiệu quả khi hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tổ, đội được thành lập nhưng chưa thực hiện hết các tiêu chí, mục tiêu thành lập, ra biển đường ai nấy đi, nhiều chủ tàu không muốn gần nhau, thường tìm cách tách xa nhau để tìm luồng cá nên khi bị nạn, thông báo cho nhau cũng không kịp ứng cứu.
Để khắc phục và hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn cho người và tàu cá trên biển, ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành và sử dụng, đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; đồng thời, ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. Bà con có thể nghe các bản tin cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển và các thông tin an toàn hàng hải khác trên hai tần số 7906 KHz và 8294 KHz. Khi gặp tai nạn, sự cố trên biển cần sự trợ giúp, bà con hãy liên lạc với bất kỳ Đài Thông tin Duyên hải nào trên tần số 7903 KHz để được hỗ trợ kịp thời.

Ý kiến của bạn

Bình luận