Người đi bộ phạm luật không mang tiền, giấy tờ: Xử lý thế nào?

Hỏi đáp 21/12/2017 06:54

Người đi bộ vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị lực lượng chức năng xử lý, kể cả trường hợp quên giấy tờ, không có tiền…

 

Người đi bộ phạm luật không mang tiền, giấy tờ
Nhiều người dân bất chấp quy định, đi bộ sang đường sai luật tại đường Đinh Tiên Hoàng.

Từ ngày 1.1.2018, người đi bộ nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi.

CSGT gặp “khó” khi xử phạt trường hợp quên giấy tờ

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ- Đường sắt – Công an TP Hà Nội cho hay, hiện nay, hạ tầng giao thông ở Thủ đô chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần như không có.

Tại các điểm đông dân cư, gần các trường đại học, trung tâm thương mại, cầu vượt dành cho người đi bộ rất ít hoặc các cầu vượt ở cách xa nhau gây khó khăn cho người đi bộ qua đường. Tại một số tuyến phố ở trung tâm, vỉa hè bị các hộ dân chiếm dụng buôn bán, phần diện tích dành cho người đi bộ không đủ chuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, lâu nay lực lượng CSGT vẫn thường xuyên kết hợp với công an các phường xử phạt đối với các trường hợp người đi bộ cố tình vi phạm giao thông.

“Thông thường, CSGT sẽ lập biên bản, ghi biên lai xử phạt theo quy định đối với người vi phạm. Trong một số đợt cao điểm làm theo chuyên đề, có cả công an phường phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt người đi bộ sai quy định”, ông Hùng thông tin.

Quy định mới từ 1.1.2018, nếu người đi bộ vi phạm khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Theo ông Hùng, hiện các đội CSGT trên địa bàn Thủ đô vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý đối với người đi bộ đi sai quy định.

“Vì vậy, sau ngày 1.1.2018, chúng tôi chưa có kế hoạch hay chuyên đề nào về việc ra quân đồng loạt xử lý người đi bộ vi phạm giao thông. Nếu cấp trên có chỉ đạo làm theo chuyên đề, chúng tôi sẽ thực hiện và thông tin tới báo chí”, vị lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội thông tin.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, tỷ lệ xử lý người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ hiện nay chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số các trường hợp bị xử lý.

Theo trung tá Tú, thông thường chỉ có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xử phạt người đi bộ sai quy định. Còn một số chuyên đề, sẽ có thêm công an các phường phối hợp với CSGT trong việc xử phạt người đi bộ phạm luật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người đi bộ vi phạm nhưng khi thấy CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra thì bỏ chạy. Với trường hợp này CSGT không thể tạm giữ người nên gặp “khó” khi xử lý.

“Còn với một số trường hợp quên giấy tờ hoặc không có tiền, công an phường sẽ đưa người vi phạm về trụ sở làm rõ lai lịch và lập biên bản xử lý theo quy định”, vị lãnh đạo đội CSGT số 3 chia sẻ thêm.

Nhiều người dân “nhờn luật”

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các quy định tại Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi sắp có hiệu lực phù hợp với thực tiễn, bởi thực tế không ít vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc không chấp hành luật giao thông của người đi bộ.

Ông Liên cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều người đi bộ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là do ý thức tuân thủ luật pháp của người dân chưa tốt. Một số người “nhờn luật”, khi lực lượng chức năng phát hiện ra vi phạm lại chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng.

“Thêm nữa, lực lượng chức năng mỏng nên không có đủ người để đi kiểm soát, xử lý người đi bộ sai quy định. Mức phạt cũ dành cho người đi bộ sai quy định chưa cao, chưa đủ sức răn đe (mức phạt hành chính hiện tại là từ 50.000 – 200.000 đồng) nên nhiều người dân chưa sợ”, ông Liên nói thêm.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cũng cho rằng, ngoài ý thức của người dân, thì lòng đường vỉa hè dành cho người đi bộ nhỏ hẹp cũng là nguyên nhân dẫn tới việc người đi bộ vi phạm giao thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận