Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Càng suy ngẫm càng thấm thía chiều sâu câu nói của Bác. Như vậy, tôn vinh báo chí trước hết là vinh danh người làm báo; đánh giá chất lượng, hiệu quả của một nền báo chí là có nhận thức đúng về bản lĩnh, phẩm chất, năng lực đội ngũ những người làm nên báo chí ấy. Đầu tư cho báo chí khởi đầu bằng đầu tư nhân lực.
Có một thời khi nói đến nhà báo không ít người liên tưởng đến đời sống vật chất khó khăn nên mới có câu “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo... nhà nghèo”. Câu nói mang tính tổng kết ấy là có cơ sở, nhưng tựu chung vẫn là sự trân trọng cho những người được cho là trí thức của xã hội nhưng chưa nhận được sự ưu ái đúng mức. Hồi ấy, PV đi làm bằng xe đạp nhưng vẫn đều đều có mặt ở những nông trường, vùng sâu, vùng xa để đưa tin, viết bài. Khó khăn lắm mới có được bài đăng báo nhưng tiền nhuận bút chỉ đủ bao bạn bè chầu cà phê sáng. Ấy vậy mà lúc bấy giờ hiếm nghe một câu than phiền nào về đạo đức người làm báo.
Thế rồi khi đất nước đổi mới, vai trò báo chí được phát huy và dần... “thoát nghèo”. Chuyện PV phải cọc cạch trên chiếc xe đạp lùi về dĩ vãng, công nghệ thông tin đã thay dần những trang giấy nhưng cùng với đó bắt đầu xuất hiện những vụ bê bối dính líu đến nhà báo. Những “con sâu làm rầu nồi canh” lác đác xuất hiện trên các trang báo. Vì vậy những năm gần đây, vấn đề nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo luôn được Hội Nhà báo các cấp quan tâm và thường xuyên nhắc nhở hội viên trong chi hội mình.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo phải trung thực, độc lập và công bằng trong quá trình làm báo. Bởi lẽ theo Người, đạo đức là sức mạnh của nhà báo, chỉ khi nào nhà báo nói lên được sự thật, phục vụ cho đông đảo quần chúng thì lúc đó nhà báo sẽ được nhân dân bảo vệ. Người làm báo nếu không trung thực, thổi phồng, bóp méo, không nói đúng sự thật, thông tin một chiều, thiếu khách quan có thể làm tổn hại đến nhiều người, làm hại nguồn tin, làm hại tờ báo của chính họ.
Khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Vì vậy, người làm báo phải một lòng, một dạ phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, nhân dân và xã hội. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ không thuộc phạm trù đạo đức, nhưng ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì thuộc phạm trù đạo đức.
Có thể khẳng định, những năm qua các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế. Cụ thể, đó là việc thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân. Thêm vào đó, thông tin báo chí chưa theo kịp với tình hình diễn biến thực tế; thông tin để định hướng hoặc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội còn chậm; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, thậm chí tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra.
Hiện nay, xu hướng trong hoạt động báo chí là đa phương tiện, xu hướng “báo chí công nghệ” và xu hướng sử dụng “trí tuệ nhân tạo”, cung cấp nội dung xuyên biên giới. Theo đó, báo chí đứng trước thách thức là bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át. Báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo. Báo chí có thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu.
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như cơ chế quản lý nhà nước”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần gấp rút hoàn thiện quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện; tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, PV thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó cần nêu cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.