Cảng vụ viên - nghề nguy hiểm
Tuyến sông Phi Liệt - Kinh Thầy có phong cảnh thiên nhiên hữu tình nhưng cũng là khu vực có diễn biến giao thông đường thủy tương đối phức tạp với lưu lượng tàu thuyền lớn, đa dạng về hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuyến sông Phi Liệt - Kinh Thầy có nhiều phương tiện và đa dạng về hoạt động sản xuất, kinh doanh |
Qua tìm hiểu, hầu hết các đơn vị kinh doanh hoạt động trên tuyến sông đều ghi nhận sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi từ phía lực lượng chức năng, đặc biệt là Cảng vụ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông ĐTNĐ cũng như sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát đã được lực lượng cảng vụ triển khai sâu rộng đến từng bến, từng tàu với tinh thần đồng cảm và sẻ chia với doanh nghiệp.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề sông nước, Thuyền trưởng tàu Thành An 09 Đỗ Hữu Hồng cho biết, việc di chuyển trên các tuyến sông cũng như việc vào cảng, rời cảng diễn ra “thuận buồm, xuôi gió”. Có được điều đó là nhờ vào công tác quản lý của cơ quan Cảng vụ rất chặt chẽ và hiệu quả từ công tác thông tin tuyên truyền liên tục cho thuyền trưởng và thuyền viên về các quy định pháp luật giao thông đường thủy.
Tuyến sông đặc thù với nhiều phương tiện vận tải lớn phục vụ hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng |
Thực tế tại địa bàn là công tác quản lý các bến thủy nội địa hiện còn gặp nhiều khó khăn do các bến hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu lợi dụng địa hình tự nhiên, mang tính thời vụ và có thể nghỉ hoạt động bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các phương tiện tại các bến đa phần là phương tiện nhỏ, phương tiện gia đình nên luôn trong tình trạng “2 không” (không đăng ký, đăng kiểm). Nguy hiểm nhất là nhận thức của một số chủ bến và đối tượng tham gia giao thông còn hạn chế, điển hình là số phương tiện chở cát, đá không đăng ký, đăng kiểm vẫn trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, thậm chí, anh em nhiều lần rơi vào cảnh bị chống đối, dọa nạt khi thực thi nhiệm vụ.
“Đối diện với sự đe dọa là vấn đề mà từ lãnh đạo đến anh em ở Cảng vụ Phúc Sơn đều phải “tiếp nhận” mỗi khi xử phạt. Có những tin nhắn, cuộc điện thoại dọa chém, dọa giết nhưng không thể không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho”, anh Nguyễn Văn Long - Trưởng đại diện Cảng vụ Phúc Sơn, chia sẻ.
Ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy của người dân còn hạn chế |
Để bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp và sự bình yên sông nước, 8 đơn vị thuộc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I đã “liên thủ” thống nhất phương án phối hợp nhằm mục tiêu “đào thải” dần những phương tiện vi phạm không đảm bảo điều kiện an toàn để các phương tiện này không còn “đất dung thân”. Từ đó, số lượng phương tiện vi phạm đã giảm dần và thay vào đó là sự tự giác chấp hành các quy định pháp luật giao thông đường thủy của các chủ phương tiện.
Vượt lên khó khăn
“Một chốn, bốn nơi” là câu nói sinh động nhất về công việc và cuộc sống của những người đang “canh giữ” bình yên sông nước. Chia sẻ với chúng tôi, anh em tại Cảng vụ Phúc Sơn cho biết, cả đơn vị chỉ có vỏn vẹn 11 người nhưng quản lý một địa bàn dài 14km phức tạp và đặc thù hàng đầu của miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Cục ĐTNĐ Việt Nam về “Siết chặt quản lý vận tải thủy”, ngày nào cũng có 3 cảng vụ viên và 1 lãnh đạo Cảng vụ luân phiên nhau trực 3 ca, ban ngày thì huy động toàn bộ lực lượng, mỗi người chốt trực tại 1 cảng, bến dọc theo tuyến sông quản lý nhằm kiểm soát sát sao để hạn chế những vi phạm có thể xảy ra.
Việc tuần tra bằng xuồng gặp khó khăn, hạn chế do thiếu kinh phí |
Hầu hết anh em tại Cảng vụ Phúc Sơn đều công tác xa nhà. Ai ở gần và thu xếp được công việc thì cuối tuần mới về thăm nhà được, còn hầu hết đều trở về với tổ ấm sau hàng tháng miệt mài với công việc. Mấy ai biết rằng, những chiếc mũ kapi trắng thấm đẫm mồ hôi vẫn chưa nói hết được sự gian khổ trong công việc đảm bảo sự bình yên sông nước. Đã có rất nhiều trường hợp cảng vụ viên bị rơi xuống sông khi đang làm nhiệm vụ gây thiệt hại tài sản cá nhân đáng kể.
Về những khó khăn trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy, anh Dương Tiến Dũng - Phó trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hải Phòng chia sẻ: “Địa hình khu vực phức tạp trong khi lực lượng mỏng, chỉ có 14 người quản lý các tuyến sông với tổng chiều dài lên tới 164km. Trong đó, các cảng, bến nhỏ lẻ, rải rác, không tập trung và cách xa nhau hàng chục cây số”.
Hàng ngày, các Cảng vụ viên thuộc Đại diện Cảng vụ Hải Phòng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ |
Không những thế, việc đi xuồng kiểm tra bị hạn chế do thiếu kinh phí, thậm chí, nguồn thu của đơn vị đôi khi không đáp ứng đủ cho hoạt động tác nghiệp hàng ngày. Do đó, anh em vẫn phải kết hợp đi xe máy để kiểm tra, kiểm soát và làm thủ tục vào, rời cảng cho các phương tiện. Đặc biệt, Cảng vụ Kiến An không có xuồng máy nên trung bình mỗi ngày, các cảng vụ viên phải di chuyển bằng xe máy khoảng 100 - 120km đường bộ để thực hiện công tác kiểm tra và làm thủ tục cho phương tiện tại địa bàn được giao quản lý. Ngoài ra, quá trình tác nghiệp trên sông nước cũng không thể nói trước điều gì.
Mỗi ngày đi xe máy hàng trăm km không phải là chuyện dễ dàng và an toàn, đặc biệt là thu nhập của anh em cảng vụ viên cũng theo quy định như những CNVC khác. Vượt lên những khó khăn xa nhà thiếu thốn về tinh thần và cám giỗ của xã hội để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các anh ở đây luôn động viên nhau, đoàn kết để vượt qua tất cả khó khăn và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và cấp trên tin tưởng giao phó.
Bao giờ hết "bến chui"?
Giải thích về nguồn gốc của các bến không phép, ông Đặng Xuân Thủy - Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I cho biết, hiện nay, đơn vị đang quản lý tuyến sông với tổng chiều dài 448,9km với 35 cảng, 243 bến. Trong đó, 83 bến giấy phép hết hạn hoạt động nhưng đến nay chưa cấp lại; tổng số bến hoạt động không phép là 116 bến.
Cảng vụ viên tiến hành kiểm tra điều kiện kỹ thuật phương tiện |
Theo ông Thủy, chính quyền địa phương cần quan tâm và nắm bắt được nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các cảng bến, từ đó xây dựng quy hoạch tổng thể, công khai đối với các khu vực được phép mở bến thủy nội địa. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp phép hoạt động cho bến thủy nội địa chưa đồng bộ nên không tạo được điều kiện cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu kinh doanh, vì thế mà xuất hiện nhiều bến không phép hoặc hết hạn hoạt động xen giữa bến có phép.
Những bến không phép nằm ngoài phạm vi quyền hạn quản lý của Cảng vụ, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vì vậy, anh em cũng chỉ có thể tích cực đến từng bến, từng phương tiện để tuyên truyền vận động chủ bến, chủ phương tiện chấp hành quy định pháp luật chứ không thể xử lý vi phạm được.
Khi phương tiện vào Cảng bến có phép sẽ chịu sự quản lý giám sát của cơ quan Cảng vụ |
Điều này đã gây nên những bất cập khi phương tiện vào bến có phép sẽ chịu sự quản lý giám sát của cơ quan cảng vụ, phải nộp các khoản phí, lệ phí. Trong khi đó, các phương tiện vào bến không phép thì không chịu bất kỳ sự quản lý nào, không phải nộp phí, lệ phí, không bị kiểm tra giám sát… Tiền lệ xấu này đã và đang gây mất ATGT và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải thủy.
Sự bất lực trước những bến không phép và phương tiện ra vào những bến này cũng chính là nguyên nhân gây nên khó khăn trong công tác của Cảng vụ. Vì vậy, để đảm bảo TTATGT đường thủy cần có quy định giao các cảng vụ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động của bến và phương tiện hoạt động tại các bến chui chưa được cấp phép.
Cùng với đó, việc quy hoạch tổng thể đối với các cảng bến thủy nội địa, tập trung vào khu vực nơi có thể kết nối được với các phương thức vận tải khác như: Đường bộ, đường sắt, hàng hải cũng là một giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý và đảm bảo TTATGT đường thủy
Xử lý vi phạm tăng 529% Theo báo cáo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, trong tháng 9, tháng cao điểm về ATGT, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I đã triển khai toàn bộ lực lượng ra quân quyết liệt thực hiện kế hoạch chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý phương tiện thủy nội địa, tàu chở hàng quá khổ, quá tải. Theo đó, 8 Đại diện Cảng vụ đã xử lý vi phạm hành chính 93 trường hợp, thu tiền phạt là 119.400 triệu đồng, tăng 138% so với tháng 8, và tăng gần 529% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong đó là các lỗi vi phạm về thủ tục đi - đến (37 lượt), vi phạm về chở hàng quá tải (28 lượt). |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.