Giờ học thực hành do PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy hướng dẫn |
Cống hiến hết mình
Gặp PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy tại nơi cô đang làm việc mới thấy hết sự bận rộn của một người vừa làm nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy. Sau mỗi buổi lên lớp, cô lại tất bật trở về phòng làm việc, bắt tay vào những đề tài nghiên cứu và hướng dẫn khoa học.
Trong suốt 33 năm làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được ứng dụng trong thực tế như công nghệ sơn đặc chủng chống ăn mòn. Kết quả nghiên cứu của cô đã góp phần nâng cao tuổi thọ cho những cây cầu, con đường ngành GTVT. Điều đáng nói, khi có quyết định nghỉ hưu, cô không chọn con đường an dưỡng, nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho Ngành, trở thành nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên Trường Đại học Công nghệ GTVT.
Cô Thủy chia sẻ: “Tôi rất vui sau khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn được ở lại làm việc, đây là cơ hội để tôi tiếp tục thực hiện những đam mê của mình trong suốt cuộc đời này. Tôi luôn mong muốn được tiếp tục làm việc cùng đồng nghiệp, thực hiện tiếp những nghiên cứu khoa học mà tôi đam mê với mong muốn có được nhiều công nghệ vật liệu mới, hiện đại, giúp ngành GTVT phát triển”.
Được biết, khi cô có quyết định nghỉ hưu, các trường đại học lớn trong nước như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi đã mời cô về giảng dạy nhưng cô đều từ chối. Cô quan niệm rằng trong suốt 33 năm làm việc, cô đã khôn lớn và trưởng thành trong ngành GTVT, chính vì vậy ở chặng đường sau này, cô vẫn muốn cống hiến công sức của mình cho ngành GTVT. Theo cô, Trường Đại học Công nghệ GTVT là một miền đất trẻ của khoa học Ngành, là nơi quy tụ nhiều tiến sỹ, thạc sỹ trẻ và các lớp sinh viên năng động, nhiệt huyết. Chính vì vậy, cô đã nhận lời làm giảng viên cho nhà trường để dìu dắt thế hệ khoa học trẻ.
Sau hơn 3 năm công tác tại trường, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy đã tạo dựng, thúc đẩy được hai nhóm nghiên cứu trong trường và cả hai nhóm đều ra được sản phẩm phục vụ ngành GTVT với sản phẩm là đưa nano vào nhựa đường, nâng cao hiệu quả trong công tác chống hằn lún vệt bánh xe và phát triển thêm về sơn chống ăn mòn, dự kiến sẽ đưa vào thí điểm sơn toa xe đường sắt.
Thầy Lê Nho Thiện - giảng viên Khoa Công trình, vừa là đồng nghiệp, vừa là học trò của cô Thủy cho biết: “Cô là người có chuyên môn vững và có niềm đam mê lớn đối với khoa học. Đối với các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, cô rất nhiệt tình hướng dẫn không kể thời gian hay ngày nghỉ. Khi sinh viên có thắc mắc cô đều tận tình giải đáp, hướng dẫn. Trong cuộc sống cô lại là người có tính kỷ luật cao và gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Người “thắp lửa” đam mê
Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo các giáo viên trẻ, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy còn có nhiệm vụ là giảng dạy và đào tạo các em sinh viên của trường. Đối với cô, mỗi buổi lên lớp là một niềm vui. Cô Thủy chia sẻ, đào tạo là một con đường đưa đến và đóng góp cho xã hội những kiến thức mà mình tích lũy được. Trong mỗi giờ lên lớp, cô luôn chia sẻ những câu chuyện thực tế, truyền lại cho các em sinh viên những kinh nghiệm mình đúc kết được trong quá trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, các bạn sinh viên rất thích những bài giảng của cô. Đặc biệt, mỗi giờ lên lớp, cô đều truyền cho các em sinh viên lòng yêu nghề, niềm đam mê và cảm hứng trong mỗi công thức, bài toán được học. Cô luôn lấy học sinh làm trọng tâm, tìm tòi những phương pháp truyền tải kiến thức mới, hấp dẫn, sáng tạo cho các em sinh viên để đạt kết quả cao nhất.
“Tôi luôn tâm niệm các em học ngành gì và khi ra trường sẽ áp dụng được gì từ những bài giảng trên ghế giảng đường. Do đó, trong mỗi bài giảng, tôi luôn trao đổi trực tiếp những kiến thức với các em sinh viên, cùng giải đáp những thắc mắc và khơi gợi tư duy, sáng tạo của các em. Điều đáng mừng là những lớp tôi giảng dạy các em đều có điểm rất cao, tôi rất tự hào”, cô Thủy bộc bạch.
Em Trần Trung Hiếu - sinh viên chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Công nghệ GTVT chia sẻ: “Đối với chúng em, cô Thủy không chỉ là một người thầy dạy kiến thức mà còn là một vị tiền bối, một thần tượng để noi theo. Ngoài ra, cô cũng rất tâm lý, chúng em có thể thoải mái chia sẻ với cô những vấn đề ngoài kiến thức và được nhận lại sự tận tình chỉ dạy của cô”.
Là người thầy, nhà nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy luôn lo lắng cho tương lai của các lớp sinh viên. Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, để các bạn sinh viên có thể “vượt sóng”, bắt nhịp với khoa học công nghệ thế giới, mỗi khi lên lớp cô đều dành thời gian nói về cuộc cách mạng này. Cô luôn nhắc nhở sinh viên ngoài việc học những kiến thức theo chương trình của Nhà trường thì phải chú ý học ngoại ngữ. Chính ngoại ngữ là cầu nối giúp các em tiếp nhận những kiến thức, công nghệ khoa học mới. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, các em phải tìm cách vận dụng được nó vào trong ngành mình học.
“Hiện nay, những nghiên cứu của tôi đang thực hiện cũng nằm trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, do đó tôi luôn hướng cho các em nghiên cứu những công nghệ mới, những vật liệu mới và có phương pháp nghiên cứu như thế nào, làm ra sao để đưa được nghiên cứu của mình vào thực tế”, cô Thủy mong muốn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.