Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc có 657 trẻ em bị tử vong do đuối nước. |
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2013 có khoảng 3.000 trẻ em và người chưa thành niên từ 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc có 657 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.
Theo các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, nguyên nhân mang tính bản chất dẫn đến tình trạng trên là trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước. Thống kê toàn quốc chỉ có 30% trẻ em từ 6 đến 14 tuổi biết bơi.
Ông Lê Văn Minh, Bác sỹ tàu SAR 411, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải chia sẻ, hiện nay, gia đình, nhà trường và xã hội đã dành sự quan tâm hơn đến vấn đề đuối nước. Nhưng tốt hơn hết, mỗi em nhỏ chủ động hơn trong việc tự trang bị cho mình kỹ năng để giữ cho mình được an toàn trong môi trường nước cũng như để giúp đỡ người khác như nắm rõ những quy tắc tránh đuối nước; kỹ năng cứu người đuối nước và sơ cứu người đuối nước.
Hãy chủ động trang bị cho mình kỹ năng để giữ cho mình được an toàn trong môi trường nước cũng như để giúp đỡ người khác |
Tạp chí GTVT xin gửi tới quý độc giả những nguyên tắc về an toàn phòng, tránh đuối nước và kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu người bị đuối nước (theo hướng dẫn của Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải).
Nguyên tắc về an toàn phòng, tránh đuối nước
1. Loại bỏ các nguy cơ đuối nước
Để loại bỏ nỗi đau mang tên đuối nước, việc phòng ngừa luôn là yếu tố then chốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bị đuối nước. Cụ thể, đối với những hồ nước quanh nhà hoặc nơi công cộng cần được xây dựng rào chắn xung quanh. Đối với các dụng cụ đựng nước trong gia đình như giếng, bể, lu chứa nước… cần làm các nắp đậy an toàn và khóa cận thận. Những nơi nước sâu, nguy hiểm cần được phải có biển báo....
Chừng nào môi trường sống chưa được cải tạo thì nguy cơ đuối nước ở trẻ em còn cao |
2. Để tránh đuối nước bạn cần biết bơi, nhưng khi làm quen với nước trong các điều kiện sau:
Trước khi tiến hành tập luyện, bạn hãy chọn chỗ nước nông; xuống nước cùng người biết bơi; mặc áo phao hoặc mang theo phao bơi; có người cứu hộ giám sát trên bờ.
Khi đã biết bơi, bất kể thế nào thì cũng đừng quên những điều sau:
- Kiểm tra độ sâu trước khi xuống nước;
- Chỉ bơi ở những nơi an toàn, cho phép bơi (có biển cấm bơi không hoặc có thể hởi những người xung quanh xem vùng nước có được phép bơi lội không);
- Không bơi lội một mình nơi vắng vẻ, ngay cả với những người bơi lội giỏi : Vì sẽ không có ai cứu bạn khi có tình huống bất trắc;
Tuân thủ nghiêm túc những quy tắc an toàn khi tập bơi |
- Không bơi ngay khi vừa ăn bởi như vậy rất hại dạ dày;
- Không bơi khi quá nóng hoặc mệt vì môi trường nước có thể làm thân nhiệt hạ xuống đột ngột hoặc khiến bạn mất sức;
- Không bơi lội trong vùng nước dơ bẩn hoặc bùn lầy vì bạn không nhìn thấy đáy nước, bạn có thể bị mắc bệnh ngoài da, mắt, dị ứng. Bạn không nên bơi lội ở sông có nước chảy quá nhanh, dù việc bơi lội xuôi dòng có thể dễ dàng hơn;
- Không vừa ăn vừa bơi để tránh bị sặc nước. Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước;
- Không bơi ngay khi người có nhiều mồ hôi, hoặc vừa đi ngoài nắng về, bởi làm như vậy sẽ khiến bạn dễ bị cảm;
- Lên bờ ngay khi trời tối, có sấm chớp và mưa.
3. Đang bơi bạn bị chuột rút thì làm thế nào?
- Hãy thả lỏng toàn bộ cơ thể, ngửa người xuôi theo dòng nước, hai cổ tay quặt theo góc 90 độ, ngón tay chạm lại chĩa lên trời, đầu gối hơi co lai, một phần cơ thể bạn có thể sẽ chìm xuống nước, nhưng mặt, mũi vẫn nổi.
- Tuyệt đối không được giãy giụa kịch liệt vì càng giãy thì bạn càng dễ bị chìm và nhanh mất sức. Cứ bình tĩnh thả nổi, thỉnh thoảng có thể nhích nhẹ chân để cơ thể nổi cao hơn một chút.
- Khi đã lên được bờ, cần xoa bóp bộ phận bị chuột rút, giữ ấm, không tiếp tục bơi nữa.
4. Đang bơi bị sa vùng nước xoáy thì bạn làm thế nào ?
- Bình tĩnh quan sát hướng ra ngoài của vùng xoáy nước để tìm cách vượt khỏi ảnh hưởng của vùng xoáy.
- Nằm sấp dang rộng tay, chân ra ngang để tránh bị xoáy nước cuốn hút xuống sâu.
- Khi đã ở vị trí ngoài vùng xoáy nước, lập tức cố hết sức bơi sải để thoát ra xa vòng xoay, sau khi thoát khỏi xoáy nước bạn hãy bơi ếch đứng để thở hồi sức để chờ cấp cứu hoặc bơi ếch nhẹ nhàng ra chỗ nông.
5. Khi tham gia giao thông đường thủy bạn phải làm gì ?
- Mặc áo phao.
- Chỉ lên thuyền, đò khi có đủ chỗ cho mình.
- Không chen lấn xô đẩy và đùa nghịch khi đi thuyền, đò.
- Ngồi chật tự tại chỗ của mình nghiêm túc tuyệt đối tuân theo qui định an toàn trên tàu, thuyền.
- Mặc áo phao theo đúng qui định.
6. Xử lý tình huống khi nạn nhân bám víu vào bạn
Kỹ năng cứu người đuối nước
1. Nếu bản thân bạn bị đuối nước ngay lập tức bạn cần nhớ:
- Kêu cứu thật to;
- Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người;
- Bơi theo dòng nước để thoát chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ;
2. Nếu thấy người khác bị đuối nước bạn cần ghi nhớ những việc sau:
Đã có rất nhiều trường hợp một người sắp chết đuối, nhiều người khác lao xuống cứu để rồi cùng nhau chết chung, dù trong đó có người bơi rất tốt. Nguyên nhân vì người sắp chết đuối luôn tìm cách bám vào mọi thứ chụp được theo bản năng để mong giữ được tính mạng. Vô tình họ siết chặt, gây cản chở cho người cứu mình rốt cuộc tất cả cùng chết. Bởi vậy, bạn cần thận trọng nhanh trí để lựa chọn các biện pháp cứu đuối phù hợp với hoàn cảnh.
* Trường hợp nạn nhân bị đuối nước trên cạn hoặc chỗ nước nông:
Nhanh chóng làm thông đường thở bằng cách nâng mặt nạn nhân lên mặt nước đưa đến chỗ an toàn.
* Trường hợp nước sâu:
- Gọi thật to bất cứ người nào ở gần.
- Tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu nếu mình không biết bơi giỏi và
không biết cứu đuối, bởi bạn có thể là nạn nhân tiếp theo.
- Vứt dây, phao, hoặc đưa sào dài để nạn nhân tóm lấy và kéo lên bờ.
* Bạn chỉ trực tiếp xuống cứu đuối với đầy đủ 2 điều kiện sau:
- Bạn bơi thạo và biết cách cứu đuối;
- Khi các biện pháp cứu đuối gián tiếp không có hiệu quả (nạn nhân quá nhỏ nên không biết bám vào sào, nạn nhân sắp chìm, xung quanh không có dụng cụ nổi…).
Phải tiếp cận từ sau lưng nạn nhân với khoảng cách từ 1-3m |
* Hai phương pháp tiếp cận nạn nhân:
- Phải tiếp cận từ sau lưng nạn nhân với khoảng cách từ 1-3m rồi dùng chân hoặc tay đẩy nạn nhân từ từ vào khu vực an toàn. Tuyệt đối không cho nạn nhân chạm vào người mình trong tư thế đối mặt;
- Khi nạn nhân gần chìm, hãy túm lấy nạn nhân từ phía sau, ngửa mặt nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi từ từ đưa vào bờ;
Kỹ năng sơ cấp cứu sau khi đưa nạn nhân lên bờ
Nếu nạn nhân tỉnh táo thì đặt nạn nhân đầu thấp nghiêng sang một bên, kiểm tra và lấy dị vật trong miệng (nếu có). Sau đó ủ ấm cho nạn nhân, trấn an tinh thần và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi.
Nếu nạn nhân bất tỉnh ngừng thở, ngừng tim tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
Các bước kiểm tra nhịp thở của nạn nhân |
a. Hô hấp nhân tao:
- Đặt nạn nhân lên nền cứng, nới lỏng quần áo làm cản trở đường hô hấp.
- Người cấp cứu quỳ bên trái đầu nạn nhân.
- Bàn tay trái đặt sát gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng.
- Bàn tay phải đặt ở chán làm ngửa đầu, ngón tay cái và chỏ bịt mũi nạn nhân, mở rộng miệng nạn nhân.
- Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cùi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời nhìn ngực nạn nhân.
- Thổi nhanh 05 lần liên tiếp, nhưng lần sau cứ hà hơi 02 lần ép tim 30 lần.
- Tần số thổi ngạt: trẻ sơ sinh 30 lần/ phút, trẻ nhỏ 20-25 lần/ phút, trẻ lớn 14-18 lần/ phút.
b. Xoa bóp tim ngoài lồng ngực:
- Người cứu nạn quỳ ngang ngực bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau đặt lên chỗ xương ức.
- Dùng sức mạnh hai tay và cả người ấn mạnh xuống ép xương ức ra sau ( cánh tay phải thẳng xuống phía gốc bàn tay, không gập khủy tay ) sao cho di chuyển xương ức lên xuống 4-5 cm.
- Bàn tay và ngón tay không di chuyển, không được nâng lên xuống khi ép tim. Không được ép lên sườn nạn nhân vì có thể làm gãy xương, vỡ gan, vỡ lách.
- Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi dùng 2 tay chồng lên nhau ấn thẳng xuống xương ức sâu xuống 4-5 cm, trẻ 1-8 tuổi dùng 01 tay ấn sâu đến 4-5 cm và trẻ từ 0- 12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay ấn sâu xuống từ 1-2 cm.
- Nếu 1 người làm thì ép liên tiếp 30 lần ép tim cho mỗi 2 lần thổi ngạt liên tiếp.
- Nếu có 2 người làm, một người ép tim 15 lần, 01 người hà hơi thổi ngạt 2 lần.
- Sau khi làm 05 chu kì ép tim và hà hơi thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2 ( hoặc 10 chu kì tỷ lệ 15/2 - đối với 2 người làm ), dừng lại 05 giây kiểm tra nhịp thở và nhịp tim rồi làm tiếp.
- Tần số ép tim 100 lần/ phút.
- Nếu nạn nhân đã tự thở và tim đập tiến hành cho nạn nhân nằm tư thế hồi phục, đắp chăn ủ ấm, theo dõi vận chuyển tới cở sở y tế gần nhất.
- Chỉ ngừng ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt khi:
+ Có một kíp cứu thương tới.
+ Nạn nhân đã hồi tỉnh.
+ Sau 2-3 giờ sơ cứu tích cực mà tim không đập trở lại, đồng tử mắt giãn to, môi, đầu ngón tay chân tím tái. Là hết hy vọng cứu sống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.