Nhà vệ sinh ở phố Quán Sứ mất số niêm yết giá - Ảnh: Hà Thanh |
Vụ việc người đàn ông dừng ô tô vô tư “đái bậy” trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) mới đây ngoài yếu tố văn hóa ứng xử bị cộng đồng lên án, có một thực trạng phải thừa nhận mà người dân bức xúc từ lâu, đó là hệ thống nhà vệ sinh công cộng (VSCC) giữa thủ đô vừa thiếu, vừa mất vệ sinh nghiêm trọng...
Đã bẩn còn bị “ăn chửi”
Chỉ trong một thời gian ngắn không khó để bắt gặp nhiều người tè bậy “mọi lúc, mọi nơi” quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Ngoài câu chuyện ý thức của người dân thì một trong những lý do dẫn tới hành vi phản cảm đó là bởi nhà VSCC tại khu vực này vừa thiếu, vừa bẩn.
"Nếu không phải vội đón xe đi thì chẳng bao giờ tôi ghé nhà vệ sinh ở đây vì bẩn thỉu, thái độ nhân viên phục vụ lại rất hống hách”, anh Phạm Anh Tú (quê Nam Định, một hành khách tại đây) bức xúc.
Anh Tú cho biết chỉ vì loay hoay không tìm thấy vòi nước để dội, anh đã “ăn” trọn tràng chửi của một nữ nhân viên phục vụ. Theo quan sát, chỉ trong vòng vài phút, liên tục hai hành khách khác cũng chung cảnh ngộ khi đi vệ sinh tại đây.
Chưa kể, dù theo quy định 3.000 đồng/lượt nhưng nhiều người phải trả tới 4.000 đồng/lượt khi đi vệ sinh. Qua tìm hiểu, không rõ do vô tình hay cố ý, cả hai điểm VSCC tại bến xe Mỹ Đình đều bị mất đi chữ số đầu tiên trên giá thu phí được niêm yết.
Đó cũng là tình trạng tương tự ở các điểm VSCC ở chợ Cầu Giấy, trạm trung chuyển Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy), đường Quán Sứ (Q.Hoàn Kiếm).
Một nhân viên vệ sinh tại khu vực trạm trung chuyển Cầy Giấy khi được hỏi phí bao nhiêu thì nói lớn: "Đi nhẹ 3.000 đồng, đi nặng 5.000 đồng/lượt". Còn nhân viên tại nhà VSCC trên phố Quán Sứ cho hay nhà vệ sinh này lại chỉ hoạt động trong giờ hành chính, sau đó đóng cửa.
Ghi nhận tại khu vực chợ Nhà Xanh (Q.Cầu Giấy), dù hàng chục nghìn lượt người qua lại mua sắm tại đây, tuy nhiên cả khu chợ chỉ có duy nhất một điểm nhà vệ sinh. Thế nhưng nhà vệ sinh này lại trong tình trạng bốc mùi hôi hám, vòi nước bị hỏng...
Ghi nhận dọc các tuyến phố Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Duy Hưng, Tôn Đức Thắng, Đê La Thành... dù tấp nập người lưu thông nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng nhà VSCC.
“Nếu nói việc tè bậy là vô ý thức cũng phải, nhưng không có nhà vệ sinh thì người đi đường biết tìm ở đâu”, một người dân trên phố Đê La Thành nói.
Thiếu nhưng chưa có chủ trương xây mới
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 340 nhà VSCC được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 nhà VSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể.
Chỉ có hơn 100 nhà VSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác...
Trong khi đó nhu cầu sử dụng nhà VSCC trên hầu khắp thành phố rất cao, đồng thời trong khu vực nội thành có hàng nghìn tuyến đường thì chỉ tính riêng trong 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã có tới 310 nhà VSCC.
Điều này đồng nghĩa với việc 6 quận và một thị xã còn lại chỉ có 130 cái, tức mỗi quận chỉ có khoảng 20 nhà VSCC, trong khi có hàng trăm tuyến đường và khu vực đông dân cư và người dân lưu thông.
Ngoài hệ thống nhà vệ sinh của chính quyền xây dựng nói trên, hiện chỉ mới có Công ty CP Đầu tư phát triển Thương mại và Bất động sản Thăng Long SP là đơn vị đầu tiên thí điểm xây dựng cải tạo nhà VSCC trên địa bàn TP.
Hiện đơn vị này đã hoàn thành đầu tư xây dựng hai nhà VSCC (phố Hàng Giầy, Q.Hoàn Kiếm) và đang chuẩn bị xây dựng một nhà VSCC khác (phố Gia Ngư, Q.Hoàn Kiếm) với tổng trị giá đầu tư tới 2 tỉ đồng.
Theo bà Đoàn Xuân Diệp - đại diện công ty, qua khảo sát thực trạng trên nhiều tuyến phố hiện nay cho thấy rất thiếu nhà vệ sinh.
“Nhiều tuyến phố rất dài và đông người qua lại nhưng “trắng” nhà vệ sinh. Trong khi đó rất nhiều nhà vệ sinh hiện có, đặc biệt là khu vực phố cổ có nhiều khách du lịch thì lại nhếch nhác và xuống cấp, mất vệ sinh nghiêm trọng”, bà Diệp nhận định.
Theo bà Diệp, những đơn vị như công ty Thăng Long SP sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng nhà VSCC mới, sạch đẹp, tuy nhiên cơ quan quản lý cần có chủ trương giao mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và ấn định thời gian hoàn vốn phù hợp cho doanh nghiệp...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đồng Phước An - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - thừa nhận riêng trong năm 2016, sở chưa hề có chủ trương đầu tư nào liên quan tới việc xây dựng nhà vệ sinh mới.
Theo ông An, việc đầu tư và quản lý hệ thống nhà VSCC ngoài Sở Xây dựng còn tùy thuộc vào chủ trương của UBND các quận, huyện.
“Cái này thì tùy từng quận, căn cứ vào nhu cầu, quận nào có nhu cầu nhiều thì họ chủ trương đầu tư xây bằng ngân sách hoặc bằng xã hội hóa”, ông An nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.