Hệ thống phòng thủ Aegis BMD phóng tên lửa SM-3. (Ảnh minh họa). Ảnh: Defenseindustrydaily.com |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng 5.260 tỷ yên (tương đương 47,9 tỷ USD) cho tài khóa 2018 (từ tháng 4-2018) - mức ngân sách lớn nhất từ trước tới nay. Mục đích của đề xuất này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Nhật Bản dự kiến triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa mới, có thể là hệ thống Aegis; dự kiến dùng lần lượt 47,2 tỷ yên và 20,5 tỷ yên để cải thiện hai hệ thống đánh chặn tên lửa là SM-3 Block 2A và PAC-3 MSE.
Khoảng 10,7 tỷ yên cũng sẽ được dùng để nâng cấp hệ thống kiểm soát và chỉ huy phòng không của Nhật Bản nhằm đề phòng các cuộc tấn công tên lửa; 19,6 tỷ yên để phát triển một hệ thống ra-đa mới nhằm cải thiện hệ thống phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo.
Với kế hoạch triển khai các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) để bảo vệ các đảo xa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sử dụng 55,2 tỷ yên cho việc xây dựng doanh trại và các cơ sở quân sự trên các đảo Miyako và Amami-Oshima nằm phía Tây Nam và Đông Bắc đảo Okinawa...
Đề xuất ngân sách nói trên được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên bắn tên lửa bay qua lãnh thổ nước này và rơi xuống Thái Bình Dương. Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng.
Giới phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một hành động khiêu khích đặc biệt và thành công của vụ phóng này sẽ khuyến khích Bình Nhưỡng tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm tương tự.
Nguy cơ một quả tên lửa nào đó trong vụ thử bị hỏng hoặc nổ tung ngay tại một thành phố của Nhật Bản là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến Nhật Bản và đồng minh Mỹ phải quyết định xem có nên bắn hạ tên lửa đó hay không nhằm bảo đảm an ninh cho các thành phố của Nhật Bản.
Tuy nhiên, hiện không rõ các hệ thống phòng thủ tên lửa đang có của Nhật Bản có thể ngăn chặn được tên lửa của Triều Tiên hay không. Theo Bloomberg, hiện Nhật Bản đang triển khai các máy bay đánh chặn trên các tàu, vốn được thiết kế để bắn hạ các tên lửa tầm trung và các khẩu đội pháo Patriot đặt trên mặt đất để có thể bắn hạ thêm nhiều tên lửa.
Tokyo cũng đang cân nhắc bổ sung thêm các thiết bị đánh chặn trên mặt đất, song những hệ thống này sẽ rất tốn kém và dường như vẫn chưa đủ khả năng để ngăn chặn nhiều tên lửa được Triều Tiên phóng cùng lúc.
Nhật Bản đang triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa gồm hệ thống PAC-3 trên đất liền và hệ thống Aegis BMD trên biển. PAC-3 là một phiên bản của hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình trong giai đoạn cuối.
Tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản thường là tên lửa đạn đạo tầm trung, hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa. Những tên lửa này có độ cao quỹ đạo rất lớn, thường cách mặt đất từ vài trăm đến cả nghìn ki-lô-mét.
Với tầm bắn hạn chế, PAC-3 được cho là sẽ "vô hiệu" nếu tên lửa Triều Tiên chỉ bay qua bầu trời mà không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Ngay cả khi tên lửa gặp sự cố, hoặc cố tình nhắm vào Nhật Bản, không có gì bảo đảm PAC-3 sẽ đánh chặn được 100% tên lửa phóng từ Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất của Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua nước này là Aegis BMD. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa lắp trên các chiến hạm có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, hợp tác cùng với Mỹ.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện có 4 tàu khu trục lớp Kongo trang bị hệ thống Aegis BMD. Ngoài ra, 2 tàu khu trục lớp Atago cũng được trang bị hệ thống Aegis nhưng chưa tham gia vào lá chắn Aegis BMD.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, người luôn ủng hộ chủ trương tăng cường khả năng phòng thủ và đánh chặn bằng tên lửa, đã tuyên bố chính quyền Tokyo cần phải nhanh chóng nâng cấp kho vũ khí tên lửa của nước mình.
Ông cũng thông báo Nhật Bản đang cân nhắc bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa dưới mặt đất Aegis Ashore và cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Theo các chuyên gia, Nhật Bản chỉ cần trang bị 2 hệ thống Aegis Ashore là đủ sức bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, mục tiêu trên của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không dễ thực hiện trong bối cảnh ông phải tập hợp được đủ sự ủng hộ cần thiết đối với các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với các nguy cơ an ninh từ tên lửa Triều Tiên.
Trong nhiều năm qua, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đã tranh luận về việc liệu Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản có cho phép thực hiện hành động tấn công trong những hoàn cảnh nhất định, chẳng hạn như việc phá hủy tên lửa Triều Tiên vào những khoảnh khắc khởi động trước khi nó được phóng đi hay không.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.