Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk - Ảnh: Nikkei |
Trong ngày thứ Ba, Nhật đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác về kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), như vậy Nhật và châu Âu đã cùng nỗ lực nối lại những nỗ lực phát triển tự do thương mại trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định giữa EU và Nam Mỹ.
Điều này không khỏi khiến người ta nghĩ nhiều đến khả năng Mỹ sẽ bị cô lập và lạnh nhạt khi mà thế giới đang hướng nhiều hơn đến chủ nghĩa đa phương, theo nhận định trong bài báo mới được Nikkei đăng tải.
Theo thỏa thuận mà Nhật và EU mới ký kết, cả hai bên sẽ loại bỏ đi những rào cản đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Hiện tại châu Âu đang áp thuế 10% đối với xe ô tô Nhật, mức thuế này sẽ được giảm về 0% trong vòng 8 năm.
Mức thuế 92% áp với phụ tùng ô tô Nhật bị bỏ đi ngay lập tức. Đại diện của hãng xe Mazda Nhật, hãng nhập từ Nhật hơn nửa lượng ô tô bán tại châu Âu, khẳng định thỏa thuận mới có thể coi như một thành công quan trọng.
Đổi lại, Nhật sẽ miễn thuế hoàn toàn với rượu từ châu Âu, giảm thuế đối với sản phẩm phomat mềm và đến năm thứ 16 của thỏa thuận, thuế với sản phẩm phomat mềm sẽ được loại bỏ.
Vào năm 2007 khi Nhật và Chile ký thỏa thuận hợp tác, theo đó, Nhật miễn thuế với sản phẩm rượu từ quốc gia Nam Mỹ này, nhập khẩu rượu từ Chile vào Nhật lập tức tăng gấp 5 lần, còn nhập khẩu rượu từ bang California - Mỹ vào Nhật giảm 30%. Khi mà ngày một nhiều thỏa thuận thương mại loại bỏ Mỹ được ký kết, sức cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ ngày một giảm đi.
Chủ tịch Keidairen, hiệp hội vận động hành lang hàng đầu của doanh nghiệp Nhật, ông Hiroaki Nakanishi nhận xét: “Đó thực sự là một thành công lớn. Nó đi ngược lại xu thế xây dựng nên những hàng rào thương mại và tiến hành các cuộc chiến thuế quan đầy hủy diệt”.
Các nhà đàm phán cho TPP 11, hiệp định được nối lại mà không có Mỹ sau khi Mỹ rút ra vào năm 2017, đã nhóm họp tại Tokyo trong ngày thứ Ba để bắt đầu cuộc họp kéo dài 3 ngày nhằm bàn về việc các nước sau này sẽ gia nhập như thế nào. Đến hiện tại, có thêm Thái Lan, Colombia, Hàn Quốc và Anh đều đã thể hiện sự quan tâm.
Cũng trong cùng ngày, vòng đàm phán của RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực) cũng được khởi động tại Bangkok, Thái Lan. Theo RCEP, 10 nước thảnh viên của Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ cùng tham gia khu vực tự do thương mại xuyên Á.Vào đầu tháng 7/2018, Bộ trưởng các nước đã đồng thuận sẽ hướng đến một thỏa thuận trước thời điểm cuối năm 2018.
Liên minh châu Âu, trong khi đó đã khởi động các cuộc đàm phán về tự do thương mại với New Zealand và Australia vào tháng 6/2018. Ngoài ra, cũng có nhiều cuộc đàm phán về tự do thương mại đang diễn ra trong khối các nền kinh tế Nam Mỹ bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.